Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) tư vấn cơ hội việc làm cho người lao động.
Nhiều năm giữ vai trò Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình GNBV tỉnh, tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn, đồng Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Chương trình GNBV (giai đoạn 2016-2020) được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm sâu sát, qua đó đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, hội, tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Quá trình triển khai, thực hiện có sự phối kết hợp, lồng ghép giữa thực hiện chương trình GNBV với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2017-2020. Theo đó, giai đoạn 2016-2018 đã huy động nguồn lực 1.874,37 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn được hỗ trợ cho người nghèo vay ưu đãi; thực hiện chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất; chính sách miễn giảm học phí; hỗ trợ tiền điện và thực hiện các chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội, các chính sách nghèo đặc thù khác. Chương trình đã đạt kết quả tích cực: Cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện, 100% xã thuộc Chương trình 135 có trường TH&THCS, điện sinh hoạt, đường ô tô đến trung tâm xã, trạm y tế, đời sống nhân dân được cải thiện cả về sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm, tỉnh giảm được 3,16% hộ nghèo. Đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 11,36%, vượt chỉ tiêu Kế hoạch số 56, ngày 12/5/2017 của UBND tỉnh đề ra. Đến hết năm 2017, huyện Kim Bôi ra khỏi danh sách huyện đặc biệt khó khăn được hưởng cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Hiện, tỉnh còn huyện Đà Bắc được hưởng cơ chế, chính sách này.
Tuy vậy, kết quả GNBV của tỉnh vẫn được xem như những nấc thang cơ động. Đó là bởi tác động xấu từ thiên tai. Như mùa mưa bão năm 2017, 2018, hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập, hàng trăm nghìn ha hoa màu, ao, bè nuôi thủy sản của người dân bị vùi lấp, cuốn trôi… khiến nhiều hộ đã thoát nghèo lại trở về vạch xuất phát. Điển hình như xã Phúc Sạn (Mai Châu) đã ra khỏi xã vùng 135 từ năm 2015, nhưng do lũ bão, thiên tai phá hủy hầu hết các công trình đường giao thông, trường học, cuộc sống của người dân rơi vào cảnh khó khăn. Năm 2018, xã đã đề nghị T.Ư xem xét để nhân dân tiếp tục được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2015-2020.
Qua khảo sát việc thực hiện chương trình GNBV ở các huyện, thành phố cho thấy, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng 135 chậm phát triển, chất lượng các sản phẩm sản xuất trong vùng chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Thu ngân sách ở một số huyện thấp, chưa đủ nguồn lực tài chính bố trí lồng ghép thực hiện các chương trình. Việc áp dụng đồng loạt giao cho các xã làm chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Nghị định số 161 gặp nhiều khó khăn, lúng túng, đa phần các xã cần có chuyên gia tư vấn trợ giúp mới thực hiện được. Vẫn còn nhiều chính sách hỗ trợ theo hình thức cho không, liên quan trực tiếp đến lợi ích của hộ nghèo, từ đó làm mất động lực phát triển, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo, thậm chí muốn vào hộ nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Để gỡ khó cho lộ trình giảm nghèo bền vững, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình GNBV tỉnh đề nghị: Các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của mỗi người dân về chương trình GNBV. Rà soát các chính sách giảm nghèo hiện hành, có đề xuất, kiến nghị sửa đổi, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lặp, không còn phù hợp, tăng tính chủ động, tích cực của người dân trong quá trình tham gia vào các chương trình giảm nghèo. Một mặt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện và hiệu quả của các chương trình, dự án giảm nghèo, từ đó rút kinh nghiệm trong cách thức tổ chức thực hiện và quản lý chương trình. Kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với cấp trên cho phù hợp với thực tiễn để lộ trình giảm nghèo được suôn sẻ, tỷ lệ giảm nghèo bền vững cao.
Lam Nguyệt