(HBĐT) - Từ đường Hồ Chí Minh đi vào hơn 2 km, khu tái định cư Mai Sơn được xem là điểm cuối cùng của huyện Lạc Sơn, tiếp giáp với huyện Yên Thủy. Đường vào khu tái định cư đã được bê tông hóa 100%, các công trình hạ tầng như điện, nước sạch, trường học và nhà văn hóa thôn bản xây dựng mới khang trang phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân. 10 năm sau khi di dời, khu tái định cư này có nhiều thay đổi và tràn đầy sinh khí mới. Các hộ dân đã có nhà mới khang trang, kiên cố, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
Hàng năm, các nhóm hộ ở khu tái định cư Mai Sơn được hỗ trợ bò phát triển sản xuất ổn định cuộc sống.
Bà Lý Thị Tươi người dân tộc Dao trước đây ở xã Tân Mai đang cùng gia đình sửa soạn đón Tết. Chục năm nay, đồng bào người Dao nơi đây vẫn giữ nếp đón Tết cổ truyền theo phong tục.Năm nay làm ăn không thuận lợi nên trên mâm cúng nhà bà Tươi chỉ có gà và miếng thịt lợn luộc, bánh dày. Nhà nào có điều kiện hơn sẽ cúng bằng hai thủ lợn. Do nặng về nghi thức cúng nên các gia đình phải luân phiên làm Tết sớm. Các nhà sẽ xem ngày, hợp ngày nào sẽ chọn làm Tết ngày đó. Nếu các hộ ăn cùng một hôm sẽ không nhờ được ai cúng giúp. Mâm cơm Tết nhất thiết phải có món bánh dày giã bằng tay, thịt gà và thịt lợn luộc. Các loại thịt, lòng, gan được thái nhỏ, trộn đều và dồn vào miếng lá chuối lớn gọi là cỗ lá. Giải thích cho mâm cỗ toàn thịt, bà Tươi bảo, mâm cơm như vậy cũng là mong ước cho một năm mới đủ đầy và sung túc của người dân. Hôm 30 Tết, mâm cơm thắp hương của các nhà chỉ có thịt gà sống và không cúng. Trong đêm giao thừa, người Dao sẽ đốt đuốc xung quanh nhà. Đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chủ nhà sẽ cầm bó đuốc đi nhặt đá (khoảng 1-2 vốc) và lá cây tượng trưng cho đi hái lộc rồi mang về đặt dưới bàn thờ.
Chia tay gia đình bà Tươi, chúng tôi đến thăm gia đình bà Bàn Thị Hằng khi cả nhà đang tất bật chuẩn bị đón Tết. Không phải khách quen, không hẹn trước nhưng gia chủ không ngần ngại bỏ dở công việc niềm nở đón tiếp chúng tôi như những người bạn lâu ngày đến thăm. Bà Hằng vui vẻ cho biết: Đến nơi ở mới, không phân biệt quê Tân Mai hay Phúc Sạn, đồng bào Mường, Thái hay Dao, chúng tôi coi nhau như anh em trong nhà nên khách của bạn cũng là khách của chúng tôi vậy. Trước đây, hầu hết hộ dân đều vô cùng khó khăn, nhiều hộ muốn quay trở về quê cũ nhưng khi đó, mọi người cùng ngồi lại bàn bạc tìm cách giúp đỡ những hộ khó khăn nhất để họ yên tâm ở lại, ổn định cuộc sống. Vậy là các hộ cùng đóng góp giúp một hộ, người 500.000, người 1 triệu đồng để mua bò hay đầu tư trồng sắn..., từ đó phong trào góp vốn giúp nhau phát triển sản xuất bắt đầu hình thành. Điều đặc biệt là không chỉ chính quyền mà người dân sở tại cũng nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Từ Dự án ngân hàng bò do tỉnh phát động, hàng năm có 1 nhóm 3-4 hộ trong xóm được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế. Qua mô hình này, các hộ dân trong khu tái định cư đã đoàn kết hỗ trợ các hộ khó khăn để mua bò giống về nuôi. Đến nay, hơn 90% hộ dân tận dụng phụ phẩm nông sản phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt. Nhiều hộ kinh tế bắt đầu khá lên từ những đồng vốn đóng góp hỗ trợ ban đầu đó...
Cùng chúng tôi dạo bước trên những con đường bê tông ở khu tái định cư Mai Sơn, Trưởng xóm Bùi Văn Hiệp chia sẻ: Cơn bão lịch sử năm 2009 đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con 2 xã Tân Mai và Phúc Sạn của huyện Mai Châu. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, hơn 60 hộ dân 2 xã đã về định cư tại xã Yên Nghiệp lấy tên mới là xóm Mai Sơn ghép Mai Châu và Lạc Sơn mà thành. Năm 2010, khi có chủ trương về đây sinh sống, gia đình tôi cũng như các hộ gặp muôn vàn khó khăn, vừa trải qua cơn bão lịch sử, nên bao nhiêu tài sản nhà cửa đều bị cuốn trôi theo dòng nước. Không riêng gì gia đình tôi mà các hộ đều phân vân không biết nên đi hay ở. Khi xuống đây khảo sát, tận mắt nhìn hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư, mỗi hộ được cấp 5.000 m2 đất sản xuất và 350 m2đất ở để dựng nhà, lập xóm mới,trở về tuyên truyền bà con ai cũng phấn khởi và tin tưởng chuyển về nơi ở mới. Trước đây người dân chỉ quen với trồng luồng, lúa nương và khai thác rừng để phát triển kinh tế thì về nơi ở mới, chúng tôi được học cách áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Với 5.000 m2 đất sản xuất, các hộ được hỗ trợ giống, vốn để đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật trồng mía tím, sắn cao sản,chăn nuôi. Ngoài ra, nơi đây tiếp giáp với nhiều xã, huyện bạn, lại có đường Hồ Chí Minh đi qua, chúng tôi có nhiều cơ hội làm thêm để tăng thu nhập.
Chia tay bà con tại khu tái định cư Mai Sơn trong không khí đón Tết, vui xuân, chúng tôi cảm thấy ấm áp và hạnh phúc biết bao. Một cuộc sống mới tốt đẹp hơn nơi ở cũ của người dân Mai Sơn đã và đang được mở ra. Đó sẽ là một cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc, sum vầy cho một tương lai tốt đẹp./.
Hải Linh