Về "cắm bản," cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng đã thực sự gắn bó, trở thành người con của bản góp phần tạo dựng "thế trận lòng dân” cũng như nâng cao hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Bộ đội biên phòng Lai Châu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN)
Ở khu vực biên giới, nhiều cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng đã không quản khó khăn, gian khổ về "cắm bản," tăng cường tham gia cấp ủy địa phương và sinh hoạt tại các chi bộ, hướng dẫn giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Họ đã thực sự gắn bó, trở thành người con của bản, qua đó, góp phần tạo dựng "thế trận lòng dân” cũng như nâng cao hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Đem no ấm về bản
13 năm "cắm bản” trong vai Bí thư Đảng ủy xã và 10 năm là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Thượng tá Mê Văn Đạt, Đồn Biên phòng Đàm Thủy (Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng), vẫn không quên những thử thách đặt lên vai ngày mới làm cán bộ tăng cường xã.
Ngày mới nhận nhiệm vụ mới, Thượng tá Mê Văn Đạt gặp rất nhiều khó khăn do kiến thức, kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế. Trong khi đó, đời sống kinh tế của người dân xã Đàm Thủy còn nghèo, trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp. Đội ngũ cán bộ xã có trên 50% chưa đạt chuẩn về chuyên môn, trên 70% chưa tốt nghiệp trung học phổ thông.
Năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng ủy, chính quyền và đoàn thể nhiều mặt hạn chế. Do đó, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội và công tác xây dựng Đảng ở Đàm Thủy nhiều năm không đạt kế hoạch trên giao. Cơ sở chính trị từ xã đến thôn, xóm chậm được củng cố kiện toàn. Nhiều vấn đề nổi cộm trong nội bộ nhân dân chậm được giải quyết.
Nhận nhiệm vụ, Thượng tá Mê Văn Đạt đã dành thời gian tập trung bám địa bàn, nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Từ đó, anh đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực với Đảng ủy, chính quyền xã Đàm Thủy như tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu quả hoạt động, điều hành của chính quyền, đoàn thể từ xã đến các thôn, xóm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân…
Song song với với tăng cường quan hệ gắn bó giữa cán bộ với nhân dân, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, xử lý những vướng mắc từ cơ sở, Thượng tá Mê Văn Đạt hướng dẫn bà con chuyển đổi nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt và phương thức canh tác.
Anh đã hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nương rẫy sang canh tác trồng lúa nước, mở rộng khai hoang tăng diện tích trồng lúa, phát triển đàn gia súc, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống; tích cực khai thác, phát triển các dịch vụ và sản phẩm du lịch; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.
Những đóng góp của Thượng tá Mê Văn Đạt đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm. Đến nay, toàn xã Đàm Thủy chỉ còn 13,7% hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, củng cố; an ninh trật tự được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ được quản lý, bảo vệ vững chắc. Đàm Thủy từ một xã nghèo, phức tạp về an ninh trật tự, nay đã trở thành một xã năng động, có kinh tế phát triển khá, là trung tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng.
Thiếu tá Hồ Xuân Tuyến (Đồn Biên phòng Tam Quang, Bội đội Biên phòng Nghệ An) là cán bộ tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An.
Tám năm qua, anh đã đến từng bản làng, đặc biệt là các bản, các hộ nghèo vùng sâu biên giới để tìm hiểu điều kiện, hoàn cảnh gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời động viên, hướng dẫn hộ nghèo tìm cách tháo gỡ khó khăn, vay vốn sản xuất phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, từng bước tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Anh đã có các hoạt động "ba bám, bốn cùng," đóng góp ý kiến, tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chính quyền xã Tam Quang trong công tác xóa đói, giảm nghèo; thay đổi nhận thức, của đồng bào, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định…
Những hoạt động này đã góp phần vào sự chuyển mình của xã biên giới đặc biệt khó khăn này. Điều đó thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 59,74% vào năm 2012 đã xuống còn 3,85% vào năm 2018. Đặc biệt, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng xã Tam Quang đạt chuẩn nông thôn mới đã về đích trước ba năm đề ra.
Bộ đội biên phòng Lai Châu hướng dẫn đồng bào dân tộc sử dụng máy cày làm đất để trồng lúa nước. (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)
Thắt chặt tình đoàn kết quân dân
Nhận xét về vai trò của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng tăng cường xã, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, khẳng định thời gian qua, các đơn vị bộ đội biên phòng đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho nhân dân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt là đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ các xóm, bản biên giới, tham gia phụ trách hộ dân ở khu vực biên giới.
Trong năm năm qua, từ 2014-2019, các đơn vị bộ đội biên phòng đã tham gia củng cố 2.190 chi bộ, 4.738 tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh. 332 cán bộ được tăng cường cho các xã, phường biên giới, hải đảo, trong đó có 258 cán bộ, chiến sĩ giữ các chức danh trong cấp ủy, chính quyền địa phương. Lực lượng bộ đội biên phòng đã giới thiệu 1.560 đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ các thôn, xóm, bản biên giới, phân công 9.661 đảng viên phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Những chiến sỹ quân hàm xanh đã tích cực tham mưu và triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; tổ chức nhiều hoạt động, việc làm thiết thực, hiệu quả cùng với nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. "Thế trận lòng dân” khu vực biên giới được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” được tổ chức đồng bộ, hiệu quả.
Nhân dân khu vực biên giới tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào bộ đội biên phòng, tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống mới, ấm no, hạnh phúc và tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
"Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng đã thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc biên giới, là điều kiện để Bộ đội Biên phòng tiếp tục gần dân, sát dân và hiểu dân hơn, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân, tô đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân," Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng nhấn mạnh.
Để tiếp tục xây dựng và củng cố "thế trận lòng dân” khu vực biên giới, trong đó có phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của người lính quân hàm xanh "cắm bản," Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng cho rằng các đồn biên phòng cần tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng các chương trình, dự án, phát triển hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn, đường tuần tra biên giới, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và các dịch vụ thương mại, bảo đảm nhân dân có điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài, yên tâm bám làng, bám bản, góp phần giữ vững ổn định chính trị, kinh tế-xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp với nhiệm vụ xây dựng "thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới.
Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng "thế trận lòng dân” khu vực biên giới được xác định là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang khu vực biên giới. Các cấp ủy, chỉ huy bộ đội biên phòng sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương những chủ trương, giải pháp, hình thức xây dựng "thế trận lòng dân” phù hợp. Trọng tâm là công tác vận động quần chúng, thực hiện tốt công tác sơ tổng kết, tích cực nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, gương "người tốt, việc tốt” trong xây dựng "thế trận lòng dân” khu vực biên giới.../.
TheoVietnamplus
(HBĐT) - Khoảng hơn 1 tuần nay, nhiệt độ bắt đầu tăng cao dần, rét đậm rét hại chấm dứt. Cất gọn quần áo ấm mùa đông và những đôi giày cao cổ, chị Hoàng Thu Hà, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi tìm mua quần áo, giày dép mùa hè cho cả gia đình. Nhưng sau cả buổi trưa, lượn khắp các shop giày dép, quần áo khu vực Phương Lâm, Đồng Tiến, chị Hà vẫn chưa chọn được những món đồ ưng ý.
(HBĐT) - Vào dịp đầu năm, đông đảo người dân thường đến đình, đền, miếu, chùa... để cầu tài lộc, may mắn, bình an, mạnh khỏe. Đồng thời nhờ "thầy”, "cô” gieo quẻ hỏi việc, xem tử vi để làm lễ dâng sao, giải hạn. Chi phí không nhỏ, tâm sức cũng không vừa nhưng liệu tín ngưỡng này có thực sự đem lại bình an tuyệt đối cho tín chủ?
(HBĐT) - Ở xóm Đồng Bưng cũng như cả xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) không ai không biết đến anh Bùi Văn Cừ. Từng là người mang trọng tội, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng, anh Bùi Văn Cừ đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi và được tín nhiệm bầu làm công an viên.
(HBĐT) - Mỗi năm một lần gặp mặt, những cán bộ, công nhân Tổng Công ty Sông Đà tại Hòa Bình đã nghỉ chế độ tại TP Hòa Bình nay đã già cùng hội tụ hòa vào dòng cảm xúc, ôn lại những kỷ niệm, ký ức không thể nào quên về những năm tháng lao động trên đại công trường sôi động vì dòng điện của Tổ quốc.