Cán bộ phụ trách Nữ công Công đoàn cơ sở chia sẻ các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em tại hội nghị nói chuyện chuyên đề "Vai trò của phụ nữ trong công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại trên cơ sở giới” do Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức.
Mặc dù các cấp, ngành của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 20/10/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại trẻ em, kết quả bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng trẻ bị xâm hại vẫn có diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, trong năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 19 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi. Trong đó có 10 vụ hiếp dâm, 4 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; 4 vụ dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; 1 vụ cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người dưới 16 tuổi.Chỉ tính riêng trong tháng 2 năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để hạn chế thực trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, theo đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các cấp, ngành, mỗi gia đình cần tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Bảo vệ trẻ em các cấp; duy trì và phát huy tốt vai trò, chức năng của các Văn phòng tư vấn trẻ em, điểm tư vấn cộng đồng, trường học; tăng cường quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có yêu cầu. Tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn nhằm cải tạo môi trường sống bảo đảm an toàn, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em...
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 14 /UBND-TCTM về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, tập trung lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển KT-XH. Cần có kế hoạch, giải pháp hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng internet, mạng xã hội; giáo dục, hướng dẫn trẻ em khai thác, sử dụng mạng internet, mạng xã hội an toàn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục phát luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em. Chăm lo sự phát triển toàn diện của trẻ em về sức khoẻ, dinh dưỡng, những kiến thức, hiểu biết cho trẻ em, hạn chế tối đa những tiêu cực, rủi ro, những yếu tố dễ tổn thương. Trang bị kỹ năng sống thích ứng trong quan hệ và ứng xử để các em đủ sức đối phó với các tác động tiêu cực. Đổi mới, nội dung hình thức tuyên truyền, tập trung phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại cho các đối tượng có nguy cơ bị xâm hại (Như trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt) cha mẹ, giáo viên, cộng đồng dân cư nơi trẻ em cư trú; nâng cao ý thức pháp luật trong cộng đồng, tuyên truyền pháp luật thông qua công tác xử lý nghiêm khắc các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em để giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung. Năng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trẻ em; thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn.Triển khai cơ chế phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, có giải pháp đồng bộ quyết liệt để kiềm chế và từng bước kéo giảm tình hình trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh …
Hương Lan