Sáng 16/4, các tuyến đường trung tâm thành phố Đông Hà (Quảng Trị) tấp nập vào giờ cao điểm; nhiều quán cà phê, nhà hàng ăn uống mở cửa đón khách sau nửa tháng cách ly xã hội.
Tại một quán cà phê trên đường Hùng Vương, ghi nhận lượng khách khá đông, đạt khoảng 60% so với trước đây. Tuy nhiên nhiều hàng quán ăn uống vẫn đóng cửa, chờ quyết định mới của tỉnh.
Chủ một cửa hàng ăn uống cho hay, dù được mở lại quán nhưng quán rất khó hoạt động với quy định giãn cách 2 m, không tụ tập quá 10 người ở nơi công cộng. "Nếu có mở bán cũng chỉ cầm hơi, nếu dịch không sớm kết thúc chắc tôi phải trả mặt bằng", anh này nói.
Tỉnh Quảng Trị đến nay chưa ghi nhận ca dương tính nCoV, nằm trong nhóm 36 tỉnh thành "nguy cơ thấp"; đang cách ly gần 4.200 người từ Lào trở về nước tại 28 cơ sở tập trung.
Quảng Ngãi, hôm nay nhiều hàng quán cũng mở bán trở lại. Đường Phan Đình Phùng, "phố cà phê" ở thành phố Quảng Ngãi sau nhiều ngày vắng vẻ đã trở lại với không khí nhộn nhịp trước đây.
Chị Kiều Nữ Hoàng Trinh, chủ chuỗi cà phê, quán nhậu đã họp nhân viên hôm qua (15/4) để khởi động lại quán. Chị đã đóng cửa quán ngay sau khi có chủ trương cách ly xã hội, rồi mở bán mang đi một tuần sau đó, để đỡ phần nào chi phí .
"Không mở quán nhưng vẫn phải trả tiền điện, tiền mặt bằng và tiền cho nhân viên chính thức", chị Trinh nói và cho biết mỗi ngày bán cho khách mang đi, quán chị thu được 2 triệu đồng, nhưng chỉ trang trải được một phần nhỏ tiền mặt bằng.
"Tôi theo dõi thông tin thường xuyên, nếu tiếp tục đóng quán thì sẽ rất khó khăn", chị Trinh chia sẻ. Ngày thường quán của chị đón 400 - 500 khách. Sau khi mở lại, chị Trinh vẫn băn khoăn làm sao bán hàng mà không vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Ở giao lộ Lê Thánh Tôn, Mai Đình Dõng, chủ một quán ăn vỉa hè cho biết, trước đây ông đặt 6 bàn ở vỉa hè. Từ khi giãn cách xã hội, ông bán mang đi, doanh số chỉ còn một nửa. Ông cùng vợ làm chung quán, khi rảnh thì chạy xe ôm, nhưng khi thực hiện chủ trương cách ly, ông không có khách để chở. "Tôi rất lo lắng nếu tình hình kéo dài, còn hai đứa con đi học đại học phải chu cấp tiền", ông nói.
Sáng nay, khi biết Quảng Ngãi thuộc nhóm nguy cơ thấp, ông đọc kỹ chỉ dẫn. "Chiều nay tôi sẽ giảm từ 6 bàn xuống 3 bàn để đúng khoảng cách 2 m, bán tại chỗ kết hợp bán mang về", chủ quán này nói.
Buổi trưa, nhiều quán cơm cũng mở cửa sau nửa tháng bán "take away". Một số shop quần áo, cửa hàng linh kiện điện tử... cũng bắt đầu mở cửa.
Quảng Ngãi được xếp vào tỉnh nguy cơ thấp, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn ban hành hướng dẫn cụ thể để tiếp tục phòng, chống Covid-19. Theo đó, các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao, giải trí tập trung đông người ở nơi công cộng tiếp tục tạm dừng.
Dịch vụ ăn uống được khuyến cáo bán hàng mang đi, bán online, giao hàng tận nơi cho khách. Quán phục vụ ăn uống tại chỗ không quá 10 người và đảm bảo khoảng cách quy định (2 m).
Gia Lai, sáng 16/4, đường phố Pleiku xe cộ đông đúc trở lại. Một số quán cà phê, cắt tóc, quán cơm nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành... cho nhân viên lau chùi bàn ghế để tái hoạt động; số còn lại vẫn đóng cửa và chọn bán mang về hoặc ship tận nhà.
9h, anh Lê Văn Tám, 35 tuổi, chủ quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng cùng ba nhân viên quét dọn quán, sắp xếp bàn ghế. Anh Tám nói lúc chưa cách ly, mỗi ngày quán bán được 200 - 300 ly cà phê. Nhưng từ ngày "cách ly xã hội", quán phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc.
Hôm qua nghe thông tin Gia Lai năm trong số 36 tỉnh, thành có nguy cơ thấp, nên anh hy vọng sẽ được "nới lỏng". "Tôi đang đợi quyết định của tỉnh mới cho bán lại hay không", anh Tám nói.
Ông Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, chiều nay (16/4) mới có kết luận cuối cùng phương án của tỉnh, nhưng theo tinh thần bám sát chỉ thị của Thủ tướng.
Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều hàng quán mở cửa trở lại từ sáng sớm. Lượng xe cộ trên đường đông hơn những ngày trước đó và đa số người dân đều đeo khẩu trang.
6h, bà Nguyễn Thị Mai, 55 tuổi, chủ quán cơm tấm, cháo lòng trên đường Cách Mạng Tháng 8, TP Bà Rịa treo lại tấm bạt thông báo "bán mang về" bị gió thổi rách. "Tôi mở quán trở lại từ hôm qua và chỉ bán được ba chục suất cơm, cháo mang về, trong khi ngày thường vài trăm suất", bà Mai nói.
Mặt bằng quán thuê 12 triệu đồng mỗi tháng, là nguồn sống của hơn 10 người gồm con, dâu, rể trong gia đình bà Mai. "Chủ yếu khách qua đường nên rất khó khăn nếu không được phục vụ tại chỗ", bà Mai nói và mong ngóng quyết định từ phía chính quyền.
Nằm trong nhóm nguy cơ thấp, song tối 15/4 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát văn bản yêu cầu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo các quyết định được ban hành trước đó. Tuy nhiên, trong cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương sáng nay, nhiều ý kiến đề xuất cho các hoạt động tắm biển, đi bộ trong công viên, thể thao ngoài trời, golf, tennis trở lại bình thường.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết địa phương đang chờ văn bản để triển khai phòng chống Covid-19 theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. "Khi đó tùy theo thực tế sẽ tính toán các hoạt động, cơ sở kinh doanh, hàng quán nào đóng hay được phép mở cửa được quy định trong Chỉ thị để thực hiện", ông Tuấn nói.
Nằm trong nhóm các tỉnh, thành "nguy cơ", sáng 16/4, nhiều tuyến phố ở TP Huế như Hùng Vương, Hà Nội, cầu Trường Tiền, Trần Hưng Đạo đông đúc người dân qua lại.
Nhiều tiệm tạp hóa, sửa xe máy, hớt tóc... mở cửa sau hơn hai tuần dừng hoạt động. Lúc 7h, anh Phan Văn Thắng (46 tuổi, phường Thuận Hòa) mở cửa tiệm sửa xe máy và cho hay "trong lúc sửa xe hay tiếp xúc với khách, tôi đều mang khẩu trang".
Tuy Thừa Thiên Huế không nằm trong nhóm 12 tỉnh, thành nguy cơ cao, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh vẫn yêu cầu các cơ quan, địa phương không được chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19.
Với phương châm "siết chặt vòng ngoài, nới lỏng vòng trong" ông Thọ yêu cầu 5 chốt kiểm tra dịch bệnh tại các tuyến đường cửa ngõ vào Thừa Thiên Huế duy trì đến hết ngày 22/4.
Các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, trái cây; nông sản, buôn bán nhỏ lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy, điện, nước, cơ khí... được phép mở cửa nhưng không được tập trung quá 10 người; chủ cơ sở phải có cam kết bằng văn bản việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
Nghệ An, sáng 16/4, trong khi nhà chức trách ở TP Vinh phát loa yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện biện pháp phòng, chống Covid-19, xe cộ đã đi lại đông đúc trên các tuyến phố Quang Trung, Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Bội Châu. Một số cửa hàng chưa được phép kinh doanh như bán xe máy, kính mắt, thời trang... đã mở cửa đón khách.
Ông Hoàng Anh Tiến, Chủ tịch phường Trường Thi, nói nhiều hộ kinh doanh không cập nhật chỉ đạo của tỉnh nên nghĩ rằng hết ngày 15/4 được kinh doanh trở lại. "Hôm nay chúng tôi tập trung tuyên truyền để bà con nắm được thông tin mới nhất là Nghệ An tuy không thuộc nhóm nguy cơ cao, nhưng vẫn áp dụng chỉ thị 16. Từ ngày mai, nếu có hộ kinh doanh vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ xử phạt", ông Tiến nói.
Nghệ An nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành "nguy cơ". Ngày 15/4, UBND tỉnh ra văn bản hỏa tốc yêu cầu tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 cho đến khi có thông báo mới.
Tương tự, nằm trong nhóm nguy cơ, song UBND tỉnh Đồng Nai quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Quan sát sáng nay, một số tuyến đường trung tâm như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Ái Quốc, Phan Đình Phùng, Hưng Đạo Vương... người dân ra đường đông hơn so với hai tuần qua. Nhiều cửa hàng thời trang, đồng hồ, điện tử... đã mở cửa. Trong khi đó, các quán ăn cơm, phở, bún... chỉ bán cho người dân mang về, không được ăn tại chỗ.
Dự kiến chiều 16/4, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ có cuộc họp để ra quyết định cuối cùng về phương án giãn cách xã hội trên địa bàn.
Trong khi đó, sau 15 ngày cách ly xã hội, tỉnh Cà Mau cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, địa điểm tham quan, du lịch hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các hàng quán vỉa hè, hàng rong chỉ được bán mang về. Tiếp tục tạm dừng hoạt động các dịch vụ massage, gội đầu, làm móng, cơ sở thẩm mỹ, bar, vũ trường, karaoke, bida, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, khi nới lỏng các hoạt động kinh doanh thì nhiệm vụ của các chốt kiểm dịch ở bốn cửa ngõ vào tỉnh nặng nề hơn. Do vậy phải tập trung kiểm tra, giám sát làm sao phát hiện dịch kịp thời, ngăn chặn không cho dịch bệnh vào trong tỉnh.
Ngày 15/4, Thủ tướng đồng ý phân loại các tỉnh, thành theo 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm có nguy cơ thấp về Covid-19.
Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TP HCM, Tây Ninh, Hà Tĩnh, tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4.
Nhóm nguy cơ gồm 15 địa phương: Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng.., kết hợp thực hiện tốt chỉ thị 15 và chỉ thị 16 đến ngày 22/4.
Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện chỉ thị 15 (không có quy định cách ly xã hội).