Nhớ lại ký ức hào hùng của những năm tháng tuổi trẻ với tinh thần "3 sẵn sàng, 5 xung phong", ông Đỗ Văn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Năm 1965, khi đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại miền Bắc, T.Ư Đoàn phát động đợt thanh niên xung phong trong cả nước. Lúc đó, tôi mới 18 tuổi, vừa học xong THPT, sẵn sàng ra chiến trường làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợt tuyển quân vào bộ đội, có đợt phát động thanh niên xung phong, tôi tình nguyện lên đường. 18 tuổi, cùng với hàng nghìn thanh niên miền Bắc, chúng tôi được xem là lớp TNXP đầu tiên, nhiệm vụ chủ yếu là phá đá mở đường. Mặc dù khó khăn, gian khổ, nhưng anh em luôn hừng hực khí thế phục vụ chiến trường, phục vụ quân giải phóng.
Đơn vị của ông Hồng làm nhiệm vụ mở đường, bảo vệ những tuyến đường từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Bình, cũng là một trong những địa điểm đánh phá ác liệt của Mỹ nhằm cắt đứt tuyến chi viện miền Bắc và miền Nam. Có những thời điểm, đơn vị tổn thất nặng nề, nhưng lúc đó, địch càng đánh, anh em càng quyết tâm, cứ lúc nào dứt bom đạn là cả tiểu đội lại tức tốc san đường, gạt đất, đảm bảo cho những tuyến đường thông suốt.
Không phải là đơn vị lực lượng chính quy, nhưng những lớp TNXP đã cùng với cả nước làm lên thắng lợi lịch sử. Năm 1972, thời kỳ ác liệt của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, cô Bùi Thị Định lên đường đi TNXP. Đó cũng là thời điểm Hòa Bình huy động lực lượng TNXP đông nhất ra chiến trường với 3 đại đội, 9 huyện huy động. Sau khi tập trung quân ở Tân Lạc, đơn vị của cô Đinh hành quân một mạch sang Lào làm nhiệm vụ. Cô Định nhớ lại: Nhiệm vụ ban đầu của chúng tôi là phục vụ đơn vị bộ đội chủ lực, yêu cầu nhiệm vụ nào thì làm nhiệm vụ đấy. Chúng tôi đào hầm cá nhân, rồi đào hầm ô cho ô tô, mở đường, bốc vác, tải đạn vào kho, tải đạn cho tiền tuyến. Trong hơn 1 năm di chuyển 12 - 13 chỗ ở. Tôi nhớ nhất là nhiệm vụ tải đạn, những thùng đạn nặng đến 85 kg, với sức một cô gái, lăn lộn với bom đạn, chết chóc mà không hiểu sao vẫn có thể vác phăm phăm vào kho, rồi xuất lên ô tô để ra tiền tuyến.
Thực vậy, vào thời điểm đó, chính niềm tin vững chắc vào Đảng, Bác Hồ đã thôi thúc những người thanh niên không quản ngại gian khổ, cống hiến tuổi xuân, hy sinh cho đất nước. Ông Vũ Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Nơi nào trọng điểm, nơi đó có TNXP. Với tuổi trẻ, nhiệt huyết, có những người chỉ 16, 17 đã xung phong vào chiến trường làm nhiệm vụ, được thư nhà còn khóc vì nhớ mẹ, nhưng lại rất đỗi kiên cường chống trả bom rơi, đạn nổ. Để rồi khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương thì buồn vui lẫn lộn, vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ, buồn vì không còn được tham gia phục vụ cuộc chiến, rời xa đồng đội. Chính vì vậy mà không ít TNXP, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã xin chuyển sang bộ đội, tiếp tục cống hiến thanh xuân, tuổi trẻ cho cuộc chiến.
Năm 2020 - kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP, những năm tháng chiến tranh ác liệt cũng đã lùi xa, nhưng những cựu TNXP vẫn đoàn kết trong tổ chức Hội để cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Theo ông Vũ Đức Hạnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 3.457 hội viên TNXP. Hưởng ứng phong trào "Vì nghĩa tình đồng đội", từ năm 2019 đến nay, các hội viên đã góp quỹ xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 hội viên nghèo, tổ chức thăm, tặng quà cho hàng trăm hội viên trong các dịp lễ, Tết.
Phương Linh