(HBĐT) - Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân xã Thu Phong (Cao Phong) đã không ngừng phấn đấu, giành được những thành tựu quan trọng trong đấu tranh cách mạng và lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, Thu Phong đã được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang". Phát huy truyền thống cách mạng, Thu Phong cũng là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH, ổn định AN-QP.
Ông Bùi Văn Kệnh, xóm Thá, xã Thu Phong (Cao Phong) kể lại trận đánh bắn rơi máy bay F105 của Mỹ cho con cháu nghe.
Năm 1965, khi bị thất bị thảm hại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân, hải quân, kết hợp phá hoại bằng gián điệp, biệt kích. Tại tỉnh ta, xác định là một trong những hướng chi viện quan trọng cho chiến trường Lào, trong một thời gian ngắn, Mỹ đã 69 lần ném bom, bắn phá các khu dân cư, cơ sở kinh tế, đường giao thông. Nhất là từ đầu năm 1966, Mỹ liên tục bắn phá các địa điểm trong tỉnh. Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ, tỉnh đã chỉ đạo các xã đều có phương án chống chiến tranh phá hoại, hướng dẫn Nhân dân cách phòng tránh máy bay, phát động những đợt đào hầm hào, xây dựng chòi quan sát, tổ chức trực chiến bắn máy bay tầm thấp.
Và một trong những trận đánh thành công của dân quân xã Thu Phong là trận bắn rơi máy bay F105 của Mỹ ngày 20/7/1966. Nhớ về trận đánh hào hùng, ông Bùi Văn Kệnh, xóm Thá, xã Thu Phong, khi đó là xã đội phó xã Nam Phong, người trực tiếp chỉ huy trận đánh: Lúc ấy, khoảng 15h ngày 20/7/1966, tôi đang trực chiến tại Ủy ban hành chính xã. Hai chiếc máy bay F105 nối đuôi nhau bay từ phía Tây Bắc tới, bay dọc núi Mâm xôi, vòng quanh đồi Trám, rồi theo đường 12B về đỉnh dốc Cun. Đến đây, chúng bổ nhào bắn một loạt đạn vào một chiếc ô tô của Công ty vận tải Hòa Bình đang dừng ở đỉnh dốc Cun. Ngay lập tức, tôi hô tổ dân quân về vị trí giao thông hào sau kho đội 2, HTX Nam Sơn triển khai đội hình chiến đấu. "Ai có súng dùng súng", đó là chủ trương của tổ lúc bấy giờ.
Quan sát đường bay của máy bay địch, đồng chí Kệnh ra lệnh nổ súng loạt đầu nhưng không chính xác. Ngay lập tức, rút kinh nghiệm, đợi đến khi 2 chiếc máy bay hạ thấp, đội dân quân quyết định tập trung bắn chiếc đi đầu. Từ máy bay địch bắn tới tấp đạn 20 ly về phía trận địa. Các chiến sỹ dân quân vẫn bình tĩnh chờ đúng tầm. "Và khi chiếc máy bay đầu vừa chấm ngọn bương vật chuẩn, khi đồng chí Kệnh hô lớn: chính diện bắn, chúng tôi tập trung bắn vào chiếc máy bay đi đầu. Bị trúng đạn, chiếc máy bay bốc cháy, đâm xuống phía dốc Cun, cách trận địa 1.500 m, tạo tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả núi rừng" - ông Đoàn Đức Tính, xã Trung Minh (TP Hòa Bình), tổ dân quân HTX Nam Sơn nhớ lại.
Không chỉ anh hùng trong chiến đấu, Nhân dân Thu Phong còn góp phần bảo vệ thành công nhiều cơ quan T.Ư về sơ tán trên địa bàn, tích cực tham gia lao động sản xuất để đảm bảo đời sống, đóng góp cho tiền tuyến lớn miền Nam. Bà Xa Thị Hoa, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Thu Phong chia sẻ: Với phương châm "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Nhân dân trong xã từ người già đến người trẻ hăng hái thi đua lao động sản xuất, 1 người làm việc bằng hai để có đủ lương thực, thực phẩm gửi ra tiền tuyến. Trong điều kiện chiến tranh phá hoại, bà con tranh thủ đi làm từ nửa đêm đến sáng, đến tầm 8h cả làng rút vào hầm hào, để lại dân quân trực chiến.
Thời chiến đánh giặc, thời bình, người dân Thu Phong thi đua phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2019, thu nhập bình quân của xã đạt gần 31 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,9%. Xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
(HBĐT) - Cuối tháng 4, chúng tôi trở lại khu tái định cư Mớ Khoắc, thị trấn Bo (Kim Bôi). Khu tái định cư nằm sát đường 12B, được xây dựng trên khu đất ruộng cấy, có hạ tầng đồng bộ, có điện, nước, đường lát gạch, mặt đường rộng rãi, 2 ô tô có thể đi lại thuận tiện. Các hộ dân đã xây nhà kiên cố và dọn về sinh sống, không còn nỗi lo trượt sạt trong mùa mưa lũ năm nay.
(HBĐT) - Hưởng ứng ngày "Toàn dân hiến máu tình nguyện”, 1.100 lượt đoàn viên thanh niên các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 13/4 tại Công an TP Hòa Bình, đợt 2 vào ngày 24/4 tại Công an tỉnh.
(HBĐT) - Dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động tiêu cực lên đời sống KT – XH; người lao động, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề.
(HBĐT) - Giai đoạn 2016-2019, huyện Lạc Thủy huy động tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 là 40.279 triệu đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư 37.465 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.670 triệu đồng, Nhân dân đóng góp (hiến đất, hiến tài sản quy đổi thành tiền) 1.144 triệu đồng. Từ nguồn vốn đã đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa..., góp phần làm thay đổi diện mạo vùng khó khăn.
(HBĐT) - Chiều 28/4, Hội Nông dân tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng quà 10 gia đình hội viên Hội Nông dân xã Đoàn Kết (Đà Bắc) bị thiệt hại nặng nề sau trận mưa đá, giông lốc, mưa to từ đêm 22 đến sáng 25/4.
(HBĐT) - Theo thống kê, đến hết quý I năm 2020, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là 80.997 người; tổng số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 808.371 người (đạt 93,9% dân số toàn tỉnh); tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 64.991 người.