Chi trả chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công với cách mạng trong đại dịch Covid-19 tại phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình).
Tuy không phải là địa phương nằm trong nhóm nguy cơ và nguy cơ cao, nhưng đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống KT-XH trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 (Nghị quyết 42) về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành kịp thời. Giao Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực chủ động phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu, triển khai, thực hiện. Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc triển khai gói hỗ trợ an sinh này, ngày 17/4, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi các huyện, thành phố để phối hợp thực hiện. Ngay sau đó, Sở đã thành lập tổ công tác do đồng chí Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng và đại diện một số phòng chuyên môn là thành viên để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 42. Đồng thời, tiến hành rà soát tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện. Để đảm bảo việc hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng và hạn chế thấp nhất sai sót có thể xảy ra, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu theo hướng: Nhóm đối tượng nào đủ điều kiện thực hiện sẽ thực hiện chi trả trước, sau đó sẽ tiếp tục rà soát để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại theo Nghị quyết 42. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở LĐ-TB&XH, ngày 29/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND về Triển khai, thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ một số đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, 4 nhóm đối tượng gồm: Người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội được ưu tiên chi trả trước.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 255.476 người thuộc 4 nhóm đối tượng trên và tổng số kinh phí cần để chi trả trên 214 tỷ đồng. Số người thụ hưởng khá đông, do vậy, từ ngày 29/4 - 5/5, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc tri trả cho các nhóm đối tượng này. Theo nắm bắt của Sở LĐ-TB&XH, đến thời điểm hiện tại, chưa có kiến phản ánh nào liên quan đến việc chi trả hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng ở cơ sở có khá nhiều thắc mắc: Tại sao cùng là người có công nhưng người này được hưởng, người kia không được hưởng, hay hộ nghèo có 6 người nhưng chỉ 4 người được hỗ trợ?
Trực tiếp thực hiện việc rà soát, lập danh sách chi trả hỗ trợ gói an sinh xã hội này tại cơ sở, đồng chí Bùi Đức Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bỉnh) chia sẻ: Tính đến ngày 5/5, phường đã hoàn tất việc tri trả hỗ trợ cho người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Hầu hết các đối tượng bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, phần khó khăn đang ở phía trước, bởi việc xác định doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng bị giảm sâu thu nhập là rất khó. Nếu thực hiện không kỹ lưỡng sẽ dễ nhầm lẫn, hoặc bỏ sót, không công bằng, thậm chí còn tạo cơ hội cho trục lợi cá nhân từ chính sách của Nhà nước. Bởi vậy, cần có sự hướng dẫn cụ thể để "gỡ khó” cho quá trình thực hiện.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết: Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ các nội dung thực hiện Nghị quyết 42, vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH không ban hành thông tư hướng dẫn. Việc chỉ đạo, điều hành, giải đáp thắc mắc với 63 tỉnh, thành phố được thực hiện trên nhóm zalo và qua tổng đài 111. Để giải quyết những vướng mắc từ cơ sở, Sở LĐ-TB&XH đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể gửi tới các huyện, thành phố. Đây là gói hỗ trợ đặc biệt chưa có tiền lệ, lại được triển khai trong thời gian rất ngắn, vì vậy cần sự phối hợp của các cấp, ngành, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi, gần gũi người dân để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo ý nghĩa an sinh xã hội.
Thúy Hằng