(HBĐT) - Thời gian qua, Đoàn Thanh niên xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đã thực hiện và hoàn thành tốt nhiều phần việc, các phong trào tình nguyện, xung kích vì cuộc sống cộng đồng. Nổi bật là phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) tham gia, với nhiều ý tưởng khởi nghiệp.
Nhằm góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), với việc tham gia hoàn thành tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm, Đoàn xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, vận động ĐV-TN tích cực tham gia sàn giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội cho bản thân. Từ năm 2019 đến nay, đã có hơn 120 lượt ĐV-TN tham gia, nhiều thanh niên tìm kiếm được việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, để thanh niên thuận lợi trong phát triển kinh tế tại địa phương, Đoàn xã tạo điều kiện cho ĐV-TN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2019, tổng dư nợ do thanh niên quản lý vốn Ngân hàng CSXH gần 2,3 tỷ đồng. Hay từ nguồn vốn ưu đãi 120 (chương trình vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm) của T.Ư Đoàn, 2 thanh niên được vay với số tiền 116 triệu đồng. Từ các nguồn vốn vay, thanh niên có cơ sở để thực hiện những ý tưởng phát triển kinh tế.
Hiện nay, Đoàn xã đang quản lý 2 mô hình kinh tế hiệu quả, là mô hình trồng thanh long và mô hình sản xuất khung nhôm kính. Đối với mô hình trồng thanh long, sau khi nghiên cứu nhu cầu thị trường, loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, Đoàn xã đã mạnh dạn thực hiện dự án trồng thanh long trên đất vườn tạp ở 6 hộ ĐV-TN, với diện tích 0,8 ha tại xóm Cang 3 từ năm 2014. Từ hiệu quả trồng thanh long đem lại, đến nay, diện tích đã tăng lên 1,6 ha, mở rộng ra các xóm: Thăng, Máy 1, Máy 4, tổng thu nhập của mô hình khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Cùng với đó, mô hình sản xuất khung nhôm kính của thanh niên Nguyễn Văn Tuyến, xóm Máy 4 là điển hình hiệu quả từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH tỉnh. Khởi đầu khó khăn do thuộc diện hộ nghèo, anh Tuyến đã mạnh dạn vay vốn mở xưởng sản xuất khung nhôm kính. Đến nay, xưởng của anh Tuyến từng bước phát triển ổn định, thu nhập bình quân 250 - 300 triệu đồng/năm, giúp gia đình anh thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá của xã. Mô hình còn tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng và một số lao động thời vụ.
Ngoài ra, Đoàn xã cũng tích cực đề xuất thực hiện các dự án phát triển kinh tế, giúp hộ thanh niên hoàn cảnh khó khăn, như mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò cái sinh sản cho 4 hộ thuộc diện hộ nghèo. Đến nay, các hộ đã nhân rộng số lượng đàn bò, từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tiến tới trở thành hộ có thu nhập khá.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chung, Bí thư Đoàn xã Hòa Bình cho biết: "Việc xây dựng, thực hiện các mô hình kinh tế đều được Đoàn xã lựa chọn kỹ lưỡng, dựa trên điều kiện thực tế của địa phương về tự nhiên và thị trường tiêu thụ. Thông qua đó, định hướng cho ĐV-TN lựa chọn, triển khai thực hiện mô hình phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình. Đoàn xã cũng thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ĐV-TN vay vốn để khởi nghiệp, vì nền tảng ban đầu của nhiều ĐV-TN còn hạn chế. Đồng thời, tích cực động viên, song hành cùng thanh niên địa phương trong suốt quá trình thực hiện”.
Thanh Sơn