(HBĐT) - Bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra ở nhiều nơi, tính chất ngày càng phức tạp, khó lường... Đó là nhận định của đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL về thực trạng BLGĐ còn nhức nhối. BLGĐ đã và đang ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, an ninh, trật tự xã hội.

 


Các ban, ngành, đoàn thể huyện Tân Lạc phối hợp tổ chức CSAGA truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình tại thị trấn Mãn Đức cuối tháng 6/2020. 

Liên tiếp những vụ việc bạo lực gia đình

Năm 2019, tình trạng BLGĐ khá nổi cộm với những vụ việc vi phạm pháp luật gây bất bình trong dư luận xã hội. Cụ thể là 2 vụ xâm hại tình dục tại huyện Kim Bôi (1 vụ bố đẻ xâm hại tình dục con gái 15 tuổi tại xóm Gò Mu, xã Kim Bôi; 1 vụ bố nuôi xâm hại tình dục con gái nuôi 14 tuổi tại xóm Sáng Mới, xã Đú Sáng); 1 vụ bạo lực thân thể, chồng giết chết vợ tại xóm Nhòn, xã Lạc Thịnh (Yên Thủy); 1 vụ bạo lực thân thể cũng là chồng giết chết vợ tại xóm Búa, xã Trung Thành (Đà Bắc); 1 vụ bạo lực kinh tế tại xóm Than, xã Tân Pheo (Đà Bắc), con rể đốt nhà bố vợ do mâu thuẫn tình cảm với vợ.

Đây là 5 vụ việc nghiêm trọng trong 257 vụ BLGĐ xảy ra năm 2019. Theo kết quả thống kê từ các địa phương, trong tổng số vụ việc BLGĐ có 46,3% vụ bạo lực về tinh thần; 26,7% vụ bạo lực về thân thể; 24,9% vụ bạo lực về kinh tế; 0,19% vụ bạo lực về tình dục. Nạn nhân bị BLGĐ chủ yếu là nữ (chiếm 65,7%). Đối với đối tượng gây bạo lực, 97 người được các địa phương áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Toà án nhân dân cấp huyện; xử phạt vi phạm hành chính (cảnh cáo) 15 người; xử lý hình sự (phạt tù) 3 người; hình thức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư 130 người; số người còn lại đã được các tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết.

Danh sách các vụ việc BLGĐ tiếp tục được nối dài trong 7 tháng năm 2020. Vào hồi 15h ngày 17/4, Công an xã Sủ Ngòi (TP Hòa Bình) tiếp nhận tin báo của chị Kiều Thị L.A, SN 1979, thường trú xóm 9, xã Sủ Ngòi về việc do mâu thuẫn trong sinh hoạt, chị bị chồng là Đinh Viết T., SN 1969 dùng tay bóp cổ gây thương tích. Sau khi xác minh, làm rõ đã xử phạt hành chính đối với Đinh Viết T. 1 triệu đồng. Tiếp đó, vào hồi 21h30 ngày 24/4, Công an phường Hữu Nghị nhận đơn trình báo của chị Nguyễn N.A, SN 1991, thường trú tổ 12, phường Hữu Nghị về việc khoảng 18h30’ cùng ngày, do mâu thuẫn trong sinh hoạt, chị bị chồng là Vũ Trường S., SN 1985 đánh vào vùng đầu, hậu quả bị thương tích, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Công an phường Hữu Nghị đã xử phạt hành chính 1,75 triệu đồng đối với Vũ Trường S. Trước đó, cũng tại TP Hòa Bình, vào hồi 23h ngày 22/2/2020, Công an phường Phương Lâm tiếp nhận đơn trình báo của chị Nguyễn Thị H., SN 1979, thường trú tổ 11, phường Thống Nhất về việc khoảng 21h30’ cùng ngày, do mâu thuẫn trong sinh hoạt, chị H. bị chị dâu là Lê Thu H., SN 1972, thường trú tổ 12, phường Phương Lâm dùng gậy tre dài khoảng 1,6 m, đường kính 0,2 cm đánh vào vùng đầu (chị H. có đội mũ bảo hiểm) và cổ tay, hậu quả cổ tay trái của chị H. bị một vết xước da. Ngày 4/3/2020, Công an phường Thịnh Lang tiếp nhận đơn trình báo của chị Đinh Thị T.N, tổ 5, phường Thịnh Lang về việc khoảng 21h30 ngày 3/3, do mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, chị bị chồng là Trần Văn H., SN 1978 chửi bới, dùng tay đánh, đấm vào người. Công an phường Thịnh Lang đã tiến hành xác minh và hoàn thiện hồ sơ xử lý đối người chồng gây bạo lực. Tại huyện Tân Lạc, trong tháng 3 có 1 vụ việc BLGĐ xảy ra tại xóm Sơn Phú, xã Phong Phú. Người gây BLGĐ là Bùi Ngọc T., SN 1980, liên tiếp 3 lần vào các ngày 18, 20, 24/3 đã uống rượu say và chửi bới, dọa dẫm vợ con. Công an xã Phong Phú đã phối hợp với Ban công tác phòng, chống BLGĐ của xã làm việc và xử phạt vi phạm hành chính để cảnh cáo, răn đe. Quá trình theo dõi tại cộng đồng, đến nay, Bùi Ngọc T. không còn tiếp tục có hành vi tái phạm.   

 Tính đến hết tháng 7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 71 vụ BLGĐ với 70 hộ có BLGĐ. Trong đó, 50 vụ bạo lực về tinh thần, 17 vụ bạo lực về thân thể, 4 vụ bạo lực về kinh tế. Nạn nhân bị BLGĐ là nữ chiếm 71,8% (độ tuổi từ 60 trở lên chiếm 2,8%, trẻ em dưới 2 tuổi chiếm 2,8%). Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần 3.000 vụ BLGĐ, làm chết 39 người, bị thương trên 110 người. Địa bàn xảy ra nhiều vụ việc BLGĐ là TP Hòa Bình, Tân Lạc, Kim Bôi, Đà Bắc...

Cần những giải pháp đồng bộ

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Mặc dù công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đạt được một số kết quả nhất định. Các biện pháp phòng, chống, phê phán, lên án hành vi BLGĐ đã và đang phát huy hiệu quả. Số vụ BLGĐ có xu hướng giảm. Nhận thức của người dân dần thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ vẫn chưa được kiềm chế, đẩy lùi, cần những giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 4/2/2020 về đẩy mạnh công tác phòng, chống BLGĐ. Bám sát tinh thần của chỉ thị, UBND tỉnh nghiêm túc chỉ đạo chính quyền các cấp triển khai kịp thời, có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về BLGĐ ở địa phương. Bố trí cán bộ làm công tác gia đình, xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng BLGĐ. Tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng, duy trì các mô hình phòng, chống BLGĐ, mô hình đội phản ứng nhanh và các mô hình khác về phòng, chống BLGĐ phù hợp với điều kiện thực tế...

Nhằm tạo chuyển biến hơn nữa về công tác phòng, chống BLGĐ, tỉnh tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Chỉ đạo công tác gia đình các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em nhằm giảm thiểu tình trạng BLGĐ; đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức treo 4.926 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, 358 hội thi, hội diễn, 560 lượt tuyên truyền xe lưu động, 174 buổi chiếu phim, 1.384 buổi mít tinh, tọa đàm, 1.086 buổi nói chuyện chuyên đề, 1.616 buổi giao lưu văn nghệ, thể thao, cùng nhiều hoạt động tuyên truyền khác giáo dục văn hóa gia đình, phòng chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Toàn tỉnh hiện có 13 mô hình phòng, chống BLGĐ, 1.305 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 1.092 nhóm phòng, chống BLGĐ, 87 đường dây nóng; 61 xã, phường thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình, 61 xã, phường có câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững.  

 Bùi Minh


Nhóm ý kiến


Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình

Phòng, chống BLGĐ là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình quốc gia về bình đẳng giới. Ngoài chỉ đạo điểm mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại xã Tân Pheo (Đà Bắc), ngành thực hiện mô hình "Xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới", trong đó, tập trung rà soát, bổ sung thêm 2 nội dung: thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ vào hương ước, quy ước; tránh phân biệt, có cách ứng xử phù hợp, tiến bộ với các gia đình sinh con gái hoặc sinh con một bề là trẻ em gái.

Trong năm 2020, các hoạt động tập huấn, truyền thông về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng, từ các cấp lãnh đạo đến mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới... được đẩy mạnh. Huy động nam giới tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các chương trình tuyên truyền về bất bình đẳng giới và BLGĐ. Đồng thời, phối hợp giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, chủ động phối hợp xác minh, nắm tình hình, kiến nghị xử lý các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Phối hợp các ngành chức năng giúp đỡ, bảo vệ, hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị bạo lực, xâm hại và theo dõi, kiểm tra việc giải quyết các vụ việc nêu trên. Củng cố, phát triển các dịch vụ bảo vệ phụ nữ, trẻ em thông qua hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội, mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh, cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài...

Nguyễn Thị Linh Ngọc 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH



Phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình 

Công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi... được triển khai rộng rãi, bằng nhiều hình thức, nổi bật là lồng ghép với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Quốc tế Gia đình 15/5, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 gắn với Tháng hành động quốc gia phòng, chống BLGĐ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, các ngành thành viên Ban chỉ đạo, các đơn vị trực thuộc Sở, phòng VH-TT các huyện, thành phố đã tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú như giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT, mít tinh, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hội thi, hội diễn... Cùng với các hoạt động khác đã thúc đẩy việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình, khẳng định vị trí, vai trò của gia đình trong việc xây dựng đời sống văn hóa, đẩy lùi tai, tệ nạn xã hội, góp phần ổn định chính trị, TTATXH. 

Nguyễn Thị Anh
Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL)


Trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình cho phụ nữ

Ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, xa, nhận thức của người dân còn có những hạn chế nhất định. Thực tế thời gian qua, các vụ việc BLGĐ thường xảy ra do mâu thuẫn trong sinh hoạt gia đình, người chồng uống rượu say không kiểm soát được hành vi. Có những trường hợp do cách ứng xử chưa khéo léo đã đẩy xung đột lên cao, dẫn đến cãi vã, xô xát, phụ nữ thường phải hứng chịu cảnh bị "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" từ phía người chồng.

Mặc dù số vụ BLGĐ đã ít dần, nhưng trong các gia đình còn tiềm ẩn không ít vấn đề khúc mắc dẫn đến bất hòa, lục đục. Đơn cử, cách đây hơn 1 năm, trên địa bàn xã có trường hợp mâu thuẫn gia đình do người chồng đi làm ăn xa, trở về nghi ngờ người vợ ở nhà có dan díu tình cảm dẫn đến cãi nhau. Nhân lúc tụ tập uống rượu say, người chồng lớn tiếng dọa nạt, đuổi vợ ra khỏi nhà. Công an viên, trưởng xóm, phụ nữ đã phối hợp vận động, hòa giải, tìm hiểu, phân tích nguyên nhân giúp người chồng và người vợ hiểu ra, xóa bỏ hiểu lầm, sinh sống hoà thuận trở lại.

Để giữ gìn đời sống hôn nhân và gia đình vững bền, hạnh phúc đòi hỏi có sự chung tay vun đắp của tất cả thành viên. Trong đó, phụ nữ - người giữ "lửa" gia đình cần được trang bị những kiến thức về gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ thông qua hoạt động tuyên truyền hướng về cơ sở. Động viên phụ nữ, kể cả nam giới cùng tham gia các câu lạc bộ về hạnh phúc gia đình, câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ. Từ đó, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, hạn chế BLGĐ.

Bùi Thị Phương
 Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Sơn (Lạc Sơn)

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục