(HBĐT) - Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng thị trường bánh trung thu "nhà làm” (handmade) trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu nở rộ hơn 1 tuần nay. Được biết đến bởi sự mới lạ, tạo cảm giác không công nghiệp, giá cả phải chăng, mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, bánh trung thu handmade đã trở thành lựa chọn của nhiều gia đình.
Để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ cho gia đình và khách hàng, chị Cao Thị Vân Anh, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) tự làm nước đường, vỏ và nhân bánh trung thu handmade.
Với vẻ ngoài bắt mắt khiến nhiều khách hàng "nhìn không nỡ ăn”, bánh trung thu handmade thu hút được khá nhiều người tiêu dùng (NTD), nhất là trẻ nhỏ. Chị Nguyễn Thanh Hương, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) chia sẻ: "Bánh trung thu handmade rất phong phú về mẫu mã, màu sắc và loại nhân bánh. Chỉ cần thích mẫu gì, hình gì, người bán cũng có thể đáp ứng mà giá thành khá hợp lý. Bánh handmade mềm, thơm, dễ ăn, lại không sử dụng chất bảo quản. Tôi cũng được chứng kiến một phần công đoạn sản xuất tại cơ sở của người bán nên yên tâm đặt hàng”.
Sự ra đời của bánh handmade đã làm phong phú thêm cho thị trường bánh trung thu. Ngoài tìm mua bánh trung thu bán sẵn, không ít chị em khéo tay đã tự học hỏi, tìm hiểu cách làm bánh để phục vụ nhu cầu cho chính gia đình mình. Chị Cao Thị Vân Anh, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) cho biết: "Tôi làm bánh trung thu cũng được khoảng 3 năm nay, ban đầu chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình và chia sẻ cho bạn bè cùng thưởng thức. Sau đó, được mọi người khen ngon và động viên tôi làm để bán. Năm nay, dù còn rất sớm nhưng đã khá nhiều khách đặt hàng”.
Qua tìm hiểu các kênh bán hàng online như zalo, instagram, facebook, bánh trung thu handmade đang được đăng bán với giá từ 20.000 - 60.000 đồng/chiếc tùy thuộc vào trọng lượng, nhân, loại bánh và cả loại túi, hộp đựng. Để thu hút khách hàng, nhiều shop online nhận làm bánh trung thu theo hình thù, trọng lượng, loại nhân yêu cầu của khách. Nhân bánh cũng được biến tấu, sáng tạo hơn những năm trước theo nhu cầu của người dùng. Ngoài những loại nhân phổ biến như thập cẩm, đậu xanh, trà xanh, đậu đỏ, hạt sen, thị trường còn có những loại nhân độc đáo như cốm dừa, sữa dừa, khoai lang tím, tiramisu, cà phê, socola… Chủng loại bánh cũng không còn giới hạn với 2 loại bánh nướng, bánh dẻo, mà có thêm bánh trung thu rau câu, bánh dành cho người ăn kiêng với những nguyên liệu chứa ít năng lượng.
Chị Mai Hương, thị trấn Bo (Kim Bôi) cho biết: Để hoàn thành 1 chiếc bánh handmade khá cầu kỳ, đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu. Nguyên liệu làm bánh cũng phải được lựa chọn kỹ để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Tôi mua nguyên liệu từ các địa chỉ bán uy tín lâu năm, siêu thị lớn ở Hà Nội và TP Hòa Bình, những nguyên liệu rau, củ, quả tươi để tạo màu mua ở cửa hàng bán thực phẩm sạch trong thị trấn. Hiện, trung bình mỗi tuần, tôi trả đơn trên 100 chiếc bánh cho khách trong và ngoài huyện, cũng có khách từ Hà Nội liên hệ đặt hàng. Do đặc tính của bánh trung thu handmade không có chất bảo quản, bánh nướng chỉ để được 7 - 10 ngày, bánh dẻo để được 5 ngày, nên trước khi chọn mua bánh để dùng hay tặng, người mua cần lưu ý kỹ về hạn sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mặc dù đa dạng về màu sắc, hình dáng, làm không khí trung thu thêm sôi động, NTD cũng cần lưu tâm tới chất lượng của bánh trung thu handmade. Bởi hiện nay, việc mua, bán bánh chủ yếu dựa trên cảm quan và sự tin tưởng của người mua đối với người bán. NTD chỉ nên mua bánh từ những người bán có uy tín, thân quen, những cơ sở có quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được các đơn vị chức năng cấp phép hoạt động để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, đồng thời, dễ dàng khiếu nại khi phát hiện sản phẩm có vấn đề khi sử dụng. Nếu không, hãy sử dụng bánh trung thu của các thương hiệu uy tín, tránh việc đặt mua bánh trung thu trên mạng từ những nguồn không đáng tin cậy. Ngoài ra, người bán cũng nên trung thực trong việc giới thiệu bánh cho khách, không bán những sản phẩm đã hết hạn sử dụng, để mọi người cùng đón một mùa trung thu vui vẻ với những chiếc bánh trung thu ngon miệng, an toàn.
Thu Hằng
(HBĐT) - Quản lý cư trú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần ổn định xã hội, nắm tình hình dân cư phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH. Tuy nhiên, quá trình triển khai quản lý cư trú gặp nhiều khó khăn, bất cập do lịch sử để lại, biến động xã hội hoặc chính sách trong từng giai đoạn khác nhau. Để thống nhất trong chỉ đạo triển khai cần có cơ chế quản lý dữ liệu về dân cư đầy đủ, chính xác làm cơ sở quản lý Nhà nước về ANTT chặt chẽ hơn.
(HBĐT) - Nhờ có sự tích lũy, dành dụm mà năm nay, gia đình ông Triệu Tiến Sơn ở bản Dao Suối Rèo, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) dựng được ngôi nhà 2 tầng to đẹp, bề thế nhất bản. Bản thân ông rất phấn khởi, mãn nguyện bởi sau một quá trình nỗ lực, kinh tế của gia đình đã vững vàng, đời sống sung túc, ấm no hơn.
(HBĐT) - Thực hiện lời dạy của Bác: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ Hòa Bình đã, đang phát huy tinh thần xung kích trong các phong trào thanh niên tình nguyện (TNTN) vì cuộc sống cộng đồng. Với tinh thần nhiệt huyết và sức trẻ, phong trào TNTN tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
(HBĐT) - Đặt lợi ích của cộng đồng, xã hội lên trên lợi ích cá nhân, dốc lòng vì cái chung cao cả, nhiều người dân ở các xóm, phố, khu dân cư (KDC) các địa phương trong tỉnh đã tự giác, tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình phúc lợi, góp phần tạo diện mạo nông thôn mới, đô thị văn minh.
Sau gần 1 tháng thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19, từ 0 giờ ngày 11/9, tỉnh Hải Dương kết thúc cách ly y tế đối với khu phố Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương.
(HBĐT) - Ngày 10/9, Tỉnh đoàn Hòa Bình tổ chức trao hỗ trợ cho 2 học sinh hoàn cảnh khó khăn là: Bùi Thị Quỳnh Phương, lớp 8, trường TH&THCS Yên Thượng và Quách Thị Kim Yến, lớp 7, trường PTDTNT Cao Phong. Đây là 2 học sinh được Tỉnh đoàn nhận đỡ đầu từ năm 2016 đến nay. Đầu năm học 2020 - 2021, Tỉnh đoàn tiếp tục trao hỗ trợ quý III với số tiền 600 nghìn đồng/em, giúp hai em yên tâm học tập.