I. CHỦ ĐỀ: "Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình Đoàn kết, kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2020 - 2025”.
I. MỤC TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Mục tiêu
Huy động sức mạnh tổng hợp, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, nỗ lực phấn đấu tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền; tiếp tục cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2020 - 2025.
2. Các giải pháp chủ yếu
2.1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 34 CT/TU ngày 18/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp với thực tiễn của tỉnh.
2.2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong việc phát động, tổ chức phong trào thi đua. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; lĩnh vực công tác được giao trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua từ tỉnh đến cơ sở.
2.3. Thi đua đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng toàn diện phong trào thi đua yêu nước cả về nội dung, hình thức gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đưc, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, khóa XII) vào kiểm điểm hàng năm nhằm nâng cao chất lượng đánh giá, phân loại đảng viên, tổ chức đảng, cán bộ, công chức, viên chức.
2.4. Tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị với phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trước mắt, tổ chức tốt đợt thi đua cao điểm, tập trung khống chế, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua chuyên đề, đặc thù của tỉnh.
2.5. Thi đua phát huy sáng kiến, giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế. Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Phấn đấu huy động vốn bình quân 5 năm (2020 - 2025) tăng 15 - 20%/năm; tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 15%/năm.
2.6. Thi đua lao động, sản xuất kinh doanh giỏi, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng CNH –HĐH; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá giá trị gia tăng cao. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao; thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, giảm cơ cấu lao động nông nghiệp. Tiến hành sơ kết phong trào thi đua gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2020 - 2025.
2.7. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và xây dựng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm cơ sở sản xuất công nghiệp đã có quy hoạch; quy hoạch mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, ưu tiên cho các công trình điện, hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị. Khuyến khích phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn; phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu.
2.8. Thi đua đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng trọng tâm hoạt động khoa học công nghệ vào thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp và các dịch vụ khoa học và công nghệ.
2.9. Tiếp tục thực hiện phong trào "Đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công vụ” gắn với chương trình tổng thể cải cách hành chính của tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025. Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Chấn chỉnh, tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối làm việc, giờ công vụ, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.
2.10. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác tuyên truyền, vận động thi đua nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025.
2.11. Tổ chức các phong trào thi đua phải gắn với phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến; việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.
2.12. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khen thưởng gắn với kết quả phong trào thi đua; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, nhất là những tập thể, cá nhân lao động, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh căn cứ các chỉ tiêu, nhiệm vụ và biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua của tỉnh, xây dựng kế hoạch, nội dung thi đua cụ thể, đề ra biện pháp và tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025.
2. Tổ chức các đợt thi đua ngắn ngày, các phong trào thi đua theo chuyên đề phải gắn với chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu mũi nhọn của cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua gắn với nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2020 - 2025.
3. Giao Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh), cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đề xuất xây dựng cơ chế đánh giá cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua, công tác khen thưởng làm cơ sở xem xét đánh giá, xếp loại và trình khen thưởng hàng năm.
4. Các cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông tích cực tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua; gương "Người tốt, việc tốt”; các mô hình, điển hình tiên tiến, nhân tố mới, cách làm hay, hiệu quả để lan tỏa trong cộng đồng và toàn xã hội.
Phát huy kết quả đã đạt được từ năm 2015 - 2020, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức, triển khai sâu rộng phong trào thi đua góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025./.