(HBĐT) - Trên 85% dân số toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, 9/15 xã thuộc vùng III (vùng 135), lộ trình giảm nghèo bền vững (GNBV) của huyện Tân Lạc gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự triển khai kịp thời, nghiêm túc của các cơ quan chuyên môn, huyện đã thực hiện khá thành công việc nhân rộng các mô hình GNBV.
Dọc theo con đường trục chính đến các xóm của xã Phú Cường, ngoài những vạt ngô, khoai, sắn và những thửa ruộng trơ gốc rạ, có khá nhiều vạt ruộng mang màu xanh mướt của cây cỏ ngọt người dân trồng để phát triển chăn nuôi gia súc. Đồng chí Bùi Đức Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: Không chỉ các hộ khá giả có trang trại chăn nuôi quy mô lớn, mà cả hộ nghèo cũng đã phát triển trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò.
Điều đó được minh chứng khi chúng tôi đến xóm Báy, gặp chị Bùi Thị Inh đang cắt cỏ ngọt về làm thức ăn cho trâu, bò, trong đó, 1 con trâu được mua từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH huyện, 1 con bò giống sinh sản hỗ trợ hộ nghèo phát triển sinh kế.
Theo thống kê của UBND huyện, năm 2020, huyện huy động được 4.083,48 triệu đồng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ 3.631 triệu đồng, vốn Nhân dân đóng góp 452,48 triệu đồng. Để phát huy hiệu quả đồng vốn, Phòng Dân tộc huyện đã khảo sát nhu cầu của hộ nghèo và chính quyền các xã được thụ hưởng để có phương án hỗ trợ phù hợp. Căn cứ nguồn vốn, nhu cầu, trong năm, huyện đã chi 1.733,603 triệu đồng cho phát triển chăn nuôi. Theo đó, hỗ trợ 21 con bò cái sinh sản, 180 con lợn nái sinh sản, 14,26 tấn thức ăn chăn nuôi, 1.080 liều thuốc thú y… cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, huyện hỗ trợ 150,3 tấn phân bón, 2 chiếc máy cày và đầu nổ cho người dân phát triển sản xuất, giúp người dân nghèo đa dạng cách thức phát triển sinh kế.
Nhằm nhân rộng các mô hình giảm nghèo, huyện huy động nguồn kinh phí 1.283,5 triệu đồng, trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ 1.075 triệu đồng, nguồn Nhân dân đóng góp 208,5 triệu đồng, hỗ trợ 1 mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Suối Hoa, cấp 76 con dê cái, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho 38 hộ; thực hiện 2 mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản giống địa phương tại xã Ngổ Luông, Quyết Chiến, cấp 27 con bò cái giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 54 người. Định mức hỗ trợ dự án, mô hình được thực hiện theo Nghị quyết số 70, ngày 8/7/2017 của HĐND tỉnh. Đối tượng hộ hưởng lợi từ chương trình là 816 hộ, trong đó có 741 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo, 7 hộ mới thoát nghèo; có 130 hộ do phụ nữ làm chủ hộ tham gia.
Qua chỉ đạo triển khai, thực hiện chương trình GNBV trên địa bàn, đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, bộ mặt nông thôn miền núi, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo từng năm. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư phân theo định mức còn thấp so với nhu cầu của các hộ nghèo và các xã được thụ hưởng, dẫn đến đầu tư phát triển sinh kế cho hộ nghèo manh mún, dàn trải, hiệu quả chưa cao. Để việc hỗ trợ phát triển sinh kế, nhân rộng mô hình GNBV hiệu quả hơn nữa, huyện đề nghị UBND tỉnh tăng mức đầu tư đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để tập trung cho các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm ổn định, phát triển sản xuất bền vững trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tăng cường huy động các nguồn vốn, công nghệ chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các địa phương. Các sở, ban, ngành hữu quan mở thêm nhiều lớp tập huấn, tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm để cung cấp thông tin, kiến thức, khoa học kỹ thuật cho bà con áp dụng vào sản xuất, qua đó nâng cao nguồn thu nhập để vững vàng hơn trên lộ trình GNBV.
Bùi Thủy