(HBĐT) - Đó là câu chuyện ở những địa bàn từng là xã vùng đặc biệt khó khăn. Với động lực tiếp sức của chính sách dân tộc, đời sống KT-XH ở các xã đã có bước phát triển và đổi thay rõ rệt. Đặc biệt, nhiều xã đã ra khỏi vùng 135. Hàng chục xã nghèo tự tin bứt phá về đích, trở thành xã điểm nông thôn mới (NTM).
Người dân xóm Mến Bôi, xã Kim Lập (Kim Bôi) phấn khởi trên con đường mới, đón xuân ấm đang về.
Huy động nguồn lực "tiếp sức" xã nghèo
Đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) đã trải qua và thấm thía muôn vàn nỗi khổ. Những cái khổ nhìn thấy ngay được là cái ăn thiếu, thiếu mặc; giao thông đi lại hiểm trở, quanh co. Đời sống sinh hoạt của người dân khó khăn, nước sạch khan hiếm, chưa tìm ra cây, con gì thích nghi với điều kiện tự nhiên, phù hợp giúp bà con thoát khỏi đói, nghèo. Cũng chính bởi lẽ đó mà Hang Kia, Pà Cò là 2 xã nằm trong danh sách những xã được huyện và tỉnh đưa vào diện được đầu tư, hỗ trợ Chương trình 135 ngay ở giai đoạn đầu. Thông qua chương trình, diện mạo 2 xã vùng đồng bào Mông có nhiều đổi khác. Nước sạch từ bể chứa lớn đã được dẫn về tận hộ gia đình. Đường đến trung tâm xã, đường liên xóm, đường vào khu sản xuất được cứng hóa gần như toàn bộ. Đặc biệt, xã Pà Cò đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn vào năm 2017. Hiện tại, 100% đường trục xóm, liên xóm, 96,9% đường ngõ xóm của xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa. 100% hộ dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt đảm bảo.
Giai đoạn 2015-2020, huyện Kim Bôi có 2 xã vùng đặc biệt khó khăn điển hình là Bắc Sơn và Hợp Kim đạt chuẩn NTM. Trong đó, xã Bắc Sơn tuy không phải xã điểm nhưng đã sớm cán đích NTM, đứng trong tốp các xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Với xã Hợp Kim (nay là xã Kim Lập), những đổi thay toàn diện cả về hạ tầng điện, đường, trường, trạm, đời sống sản xuất, sinh hoạt hôm nay có dấu ấn của chính sách dân tộc. Ông Quách Văn Hin, nông dân xóm Mến Bôi bày tỏ: Đường giao thông nội đồng của xóm dài 700m được hoàn thành từ năm 2019. Nông sản chỉ việc chất lên xe, chở đi bán, sản phẩm làm ra không bị hao hụt, hư hỏng, giá bán cũng cao hơn trước. Ngoài ra, xóm đang được hỗ trợ xây dựng xóm NTM kiểu mẫu. Đồng chí Bùi Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lập cho biết: Bên cạnh hỗ trợ về hạ tầng, người dân vùng nghèo được thụ hưởng chính sách về hỗ trợ nguồn sinh kế, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi... Năm 2020, bình quân thu nhập của xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 8,9%.
Bản làng đón mùa xuân ấm
Trên các miền quê từng trải qua không ít khó khăn của huyện Lạc Thủy là Hưng Thi, Thống Nhất, An Bình... giờ đây hiển hiện "bức tranh” nông thôn nhiều đổi khác. Hiện tại, 100% xã nghèo trước đây đã ra khỏi Chương trình 135. An Bình, Thống Nhất, Hưng Thi là 3 xã còn lại về đích NTM năm 2020, góp phần đưa huyện Lạc Thủy trở thành địa phương tiếp theo sau TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn đạt huyện NTM. Theo chia sẻ của đồng chí Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi, những cây cầu bắc ngang sông, suối, công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi... đều có dấu ấn của các chương trình, dự án hỗ trợ. Chỉ tính giai đoạn từ năm 2011 đến nay, các chương trình, dự án đã hỗ trợ khoảng 36 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo và mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo đà phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, điều kiện cuộc sống của người dân được đảm bảo hơn thông qua các chính sách dân tộc hỗ trợ về tư liệu sản xuất, cây, con giống, khoa học kỹ thuật... Bình quân thu nhập của xã đạt trên 42 triệu đồng/ người/năm 2020.
Hàng nghìn tỷ đồng từ các chương trình, dự án của chính sách dân tộc đã hỗ trợ người dân các xã nghèo trên địa bàn tỉnh chưa phải là con số thống kê đầy đủ. Thông qua đó, đã từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vùng dân tộc, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng NTM của địa phương, của tỉnh. Chính sách dân tộc tạo đòn bẩy cho phát triển KT-XH, góp phần mang đến cho bà con nơi xã nghèo, bản nghèo những mùa xuân ấm áp, tươi vui. Giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh có 6 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 thuộc các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy. 75 thôn đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành Chương trình 135 tại các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lương Sơn và Yên Thủy.
Bùi Minh
(HBĐT) - Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN huyện Kim Bôi vừa phối hợp tổ chức trao nhà "Mái ấm tình thương” cho gia đình chị Bùi Thị Tươi, hội viên phụ nữ xóm Đầm Sáng, xã Xuân Thủy (Kim Bôi).
(HBĐT) - Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Tân Sửu 2021, đoàn công tác của BHXH tỉnh vừa tặng 30 suất quà Tết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xã Đông Bắc (Kim Bôi). Đây cũng là chương trình của ngành tham gia phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
(HBĐT) - Năm 2020 đầy biến động và khó khăn đối với đời sống kinh tế xã hội bởi đại dịch Covid và thiên tai diễn biến cực đoan. Hơn bao giờ hết, nhận thức về vai trò của doanh nghiệp đối với sứ mệnh phát triển đất nước, sự đồng hành của toàn hệ thống chính trị đối với hoạt động phát triển kinh doanh của doanh nghiệp là động lực, khích lệ to lớn để Sao Mai cất cánh vươn xa.
(HBĐT) - Thời gian qua, nhằm phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của các cấp Hội LHPN và vai trò, nội lực của hội viên phụ nữ, các cấp Hội đã tổ chức phát động, chỉ đạo triển khai nhiều phong trào phụ nữ thiết thực, hiệu quả. Qua đó, trong 5 năm qua (2015-2020), toàn tỉnh có hơn 2.000 cá nhân, tập thể được các bộ, ngành T.Ư, UBND, Hội LHPN các cấp khen thưởng, biểu dương, trở thành gương người tốt - việc tốt, thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển. Tiêu biểu như các nữ doanh nhân: "Bông hồng vàng” Nguyễn Thị Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Mỹ Phong; Phạm Thị Nhuận, Giám đốc Công ty CPTM Định Nhuận; Nguyễn Bích Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hằng 86; Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty CP Inca Việt Nam…
(HBĐT) - Công tác thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, được ngành Thanh tra tiến hành theo kế hoạch hàng năm Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, Thanh tra tỉnh định hướng, chỉ đạo Thanh tra các sở, ngành, huyện, thành phố tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN). Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Luật PCTN trên địa bàn.