(HBĐT) - Qua 8 năm triển khai thực hiện các quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính (XLHC) giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Lạc theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong thời gian qua, các cấp, ngành đã tập trung triển khai thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nói chung, áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn nói riêng, biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên phạm tội, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính.
Bên cạnh đó, UBND huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); kiểm tra, đôn đốc các địa phương, phối hợp cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, PBGDPL về Luật XLVPHC, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành cho những người làm công tác XLVPHC nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người dân trong thực hiện, áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Qua thống kê, trong 8 năm (2013 - 2020), tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục trên địa bàn huyện là 81 đối tượng (79 đối tượng là người nghiện ma túy và 2 đối tượng vi phạm trật tự, an toàn xã hội 2 lần trở lên trong 6 tháng). Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đúng quy định. Đến thời điểm hiện tại, các đối tượng đều đã chấp hành xong quyết định.
Qua triển khai áp dụng biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ANCT - TTATXH tại địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc như: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ trước khi ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, thực tế do công chức tư pháp - hộ tịch đảm nhiệm nhiều đầu việc của công tác tư pháp cấp xã, nên việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hầu như mang tính hình thức. Việc bố trí kinh phí cho việc thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 111/ 2013/NĐ-CP khó khăn do ngân sách của các địa phương hạn hẹp. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy của đối tượng thẩm quyền xét nghiệm phải là y, bác sỹ có chứng chỉ hành nghề, phải qua khóa tập huấn, quy định này khá khó khăn đối với các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa trong việc xác định tình trạng người nghiện ma túy để đưa đi cai nghiện...
Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Có thể thấy, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn luôn được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Đây là biện pháp mang tính giáo dục, thuyết phục, răn đe đối tượng cao. Trình tự hồ sơ, thủ tục ngày càng chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Để biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn góp phần tích cực phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền về chủ trương của Nhà nước trong công tác quản lý, giáo dục người vi phạm tại cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về tầm quan trọng, tác dụng của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; khơi dậy, phát huy trong Nhân dân truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỗi, giúp họ mau chóng trở thành người tiến bộ; đề ra được giải pháp, biện pháp quản lý, giáo dục khoa học, hợp lý, phù hợp tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng; xác định trách nhiệm cụ thể của chính quyền, tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục, cảm hoá người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; vận động đối tượng, gia đình có con em vi phạm đang bị áp dụng biện pháp này để hạn chế tình trạng đối tượng tái phạm.
Hải Linh