(HBĐT) - Dù nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề tồn tại của dự án xây dựng khu văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình Phật Quang (chùa Hòa Bình), nhưng suốt nhiều năm qua, kiến nghị của hàng chục hộ dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đã bị rơi vào quên lãng. Chỉ đến khi bức xúc của người dân đến được với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, vấn đề này mới được xem xét một cách thấu đáo...



Suốt 15 năm qua, các hộ dân dưới chân chùa Hòa Bình, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) nằm trong quy hoạch "treo” không được giải quyết.

15 năm nằm trong quy hoạch "treo"

Dự án xây dựng trụ sở các công trình văn hóa tâm linh tại đồi Ba Vành ở tổ 21, nay là tổ 8, phường Tân Thịnh do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, ban hành Quyết định thu hồi đất đợt 1 từ năm 2007 (theo Quyết định số 1167/QĐ-UBND, ngày 17/5/2007 của UBND tỉnh) với tổng diện tích thu hồi 30.000 m2 đất; đợt 2 thu hồi bổ sung 21.284 m2 đất (theo Quyết định số 1340/QĐ-UBND, ngày 9/9/2010 của UBND tỉnh). UBND TP Hòa Bình đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, qua thời gian dài, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc cho các hộ sử dụng đất trong phạm vi GPMB. Theo ông Đỗ Trung Tần, tổ trưởng tổ 8, phường Tân Thịnh, căn cứ các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, có 65 hộ dân tổ 8 sinh sống dưới chân đồi Ba Vành nằm trong phạm vi thu hồi đất để phục vụ dự án. Do nằm trong phạm vi quy hoạch của dự án mà nhiều năm qua, cuộc sống của các hộ dân vô cùng khổ sở. Nhà ở của các hộ đều xây dựng từ những năm 1978 - 1980 đến nay đã xuống cấp, hư hỏng, dột nát. Vì nằm trong phạm vi quy hoạch dự án nên không được phép sửa chữa, nâng cấp. Người dân và tổ dân phố đã nhiều lần kiến nghị chính quyền thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bà Phạm Thị Lụa, người dân nằm trong khu vực dự án "treo” bức xúc: Chúng tôi là những công nhân tham gia xây dựng công trình thủy điện sông Đà. Năm 1995 được phân và giao nhận nhà ở. Đến năm 2003, 2004, 2005, các hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Khi triển khai xây dựng nhà chùa, chúng tôi chấp hành chủ trương của tỉnh. Song đến nay đã 15 năm vẫn chưa thấy có cơ quan nào đến thực hiện việc kiểm đếm và di dời. Hàng năm, chúng tôi vẫn đóng thuế đất đầy đủ theo quy định của Nhà nước, nhưng suốt từ năm 2006 đến nay, chúng tôi không được hưởng quyền lợi gì trong việc giao dịch, mua bán hay sửa chữa, xây dựng lại nhà ở. Từ năm 2016, tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi được nâng cấp, nhà chúng tôi thấp hơn mặt đường. Cứ mưa nước tràn vào nhà gây ra cảnh lụt lội. Chúng tôi nhiều lần cử đại diện làm việc với nhà chùa và chính quyền địa phương nhưng đều không được giải quyết.

Bức xúc của người dân là chính đáng

Là người trực tiếp đi khảo sát thực tế sau khi tiếp nhận đơn của các hộ dân, đồng chí Vũ Thế Cương, Phó trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh chia sẻ: Qua khảo sát, tôi nhận thấy phản ánh của người dân là đúng. Nhà của các hộ dân được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, nhiều năm liền không được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo. Mỗi khi trời mưa nước từ trên đồi, ngoài đường dồn vào gây ngập úng, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Đại đức Thích Đức Nguyên, Trưởng Ban trị sự GHPG tỉnh, trụ trì chùa Hòa Bình cũng chia sẻ: Việc các hộ dân ở dưới chân chùa gặp khó khăn, nhà chùa rất chia sẻ. Nhà chùa rất xót xa trước việc đó. Thế nhưng liên quan đến tiến độ GPMB nên mới dẫn đến vấn đề như vậy.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình Đỗ Việt Triều cho biết: Thời gian qua, việc phê duyệt bồi thường GPMB dự án xây dựng khu văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình vẫn chưa hoàn thành. Để thực hiện dự án phải có nguồn kinh phí để GPMB. Theo quy định, khi mở rộng khu vực này, thành phố chỉ thực hiện việc thu hồi đất, không có nguồn kinh phí để bồi thường GPMB, xây dựng tái định cư cho các hộ dân. UBND thành phố đã có công văn đề nghị Ban trị sự GHPG tỉnh nếu tiếp tục thực hiện dự án phải chuẩn bị nguồn kinh phí để chi trả hỗ trợ GPMB, có văn bản báo cáo UBND thành phố. Trường hợp không tiếp tục thực hiện dự án mở rộng đề nghị Ban trị sự GHPG tỉnh có văn bản gửi UBND thành phố để báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh quy mô diện tích, dành khu vực dưới chân đồi Ba Vành để các hộ dân tiếp tục thực hiện quyền sử dụng đất của mình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản nào của Ban trị sự GHPG tỉnh về vấn đề này.

Theo Công văn số 650/UBND-TNMT, ngày 10/3/2021 của UBND TP Hòa Bình về việc đề nghị hoàn thiện các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ GPMB theo đề nghị của UBND phường Tân Thịnh về việc giải quyết đơn của các hộ gia đình tại tổ 8, UBND thành phố đề nghị Ban trị sự GHPG tỉnh liên hệ với Sở TN&MT, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan để hoàn thiện các thủ tục về quy hoạch, đất đai, xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB đối với dự án. Trong trường hợp công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện, UBND thành phố đề nghị Ban trị sự GHPG tỉnh đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh diện tích thu hồi đất để các hộ được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Sau khi trực tiếp lắng nghe những bức xúc của người dân, ý kiến của các sở, ngành và cơ quan chuyên môn, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ những khó khăn với người dân, đồng thời nhấn mạnh: Dự án để kéo dài quá lâu, lại làm dở dang. Các thủ tục về đất đai không làm dứt điểm được về mọi mặt. Người dân làm đơn gửi chính quyền địa phương nhưng thành phố không báo cáo UBND tỉnh. Để giải quyết vấn đề này, trước hết thành phố phải làm rõ chuyện dự án dở dang, làm rõ việc chủ đầu tư có tiền để bồi thường đất, tài sản cho các hộ dân. Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị TP Hòa Bình và Ban trị sự GHPG tỉnh phải làm rõ việc có tiếp tục tiến hành thực hiện dự án nữa không, nếu làm tiếp thì bồi thường GPMB và tái định cư cho các hộ dân như thế nào? "Dự án này để quá lâu, qua nhiều đời lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, thành phố, gây bức xúc trong Nhân dân. Do vậy, việc này là trách nhiệm của chúng ta, yêu cầu các sở, ngành liên quan phải sớm giải quyết dứt điểm, làm công khai, có trách nhiệm với người dân” - đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Mạnh Hùng

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục