Lực lượng chức năng kiểm tra tình hình sạt lở tại đồi Lủ Thao, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) bị ảnh hưởng do cơn bão số 2 vừa qua.
Trong đó, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 118 điểm, với 2.519 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, gồm: Huyện Tân Lạc 10 điểm,56 hộ; Đà Bắc 17 điểm, 814 hộ; Mai Châu 49 điểm, 523 hộ; Lạc Sơn 4 điểm, 80 hộ; Cao Phong 35 điểm, 131 hộ; Yên Thủy 8 điểm, 144 hộ; Lương Sơn 1 điểm, 37 hộ; Kim Bôi 9 điểm, 76 hộ; TP Hòa Bình 17 điểm, 658 hộ.
Khu vực thường xuyên bị lũ ống, lũ quét có 18 điểm, với 113 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, gồm: Mai Châu 10 điểm, 51 hộ; Cao Phong 1 điểm, 1 hộ; Yên Thủy 6 điểm, 54 hộ; Kim Bôi 1 điểm, 7 hộ.
Khu vực thường xuyên bị ngập úng có 51 điểm, với 1.371 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư, gồm: Huyện Mai Châu 4 điểm, 71 hộ; Cao Phong 5 điểm, 8 hộ; Lạc Thủy 11 điểm, 565 hộ; Yên Thủy 27 điểm, 659 hộ; Kim Bôi 1 điểm, 1 hộ;TP Hòa Bình 3 điểm, 67 hộ.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND tỉnh đã có phương án bố trí ổn định dân cư trong mùa mưa bão. Đã thực hiện bố trí ổn định dân cư theo hình thức di chuyển tập trung, xen ghép cho các hộ dân theo chỉ đạo của UBND tỉnh trong năm 2019. Đối với phương án sắp xếp, ổn định dân cư mới theo 3 hình thức: Bố trí ổn định dân cư theo hình thức di dân tập trung cho 831 hộ dân; bố trí ổn định theo hình thức di dân xen ghép cho 1.026 hộ; bố trí ổn định tại chỗ cho 2.146 hộ.
Nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả, trong đó, lấy phòng tránh là chính với phương châm ''4 tại chỗ'',trước mùa mưa lũ, các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng, đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai năm 2021. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, thường xuyên nắm bắt thông tin, nhận biết và phòng tránh đối với từng loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra.
Đối với các khu dân cư, điểm sạt lở, lũ ống, lũ quét đã xảy ra thiên tai hoặc có nguy cơ ảnh hưởng do thiên tai cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra diễn biến thời tiết, thiên tai và các hiện tượng sạt lở đất, đá xảy ra trên địa bàn, lập phương án theo dõi, cảnh báo thiên tai, phương án ứng phó; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và khắc phục khẩn trương các hậu quả khi có mưa lũ xảy ra.Kiên quyết di chuyển dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn khi có tình huống cấp bách. Chủ động tổ chức triển khai thực hiện bố trí, ổn định dân cư theo hình thức di dân tái định cư tập trung, xen ghép và ổn định tại chỗ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
V.H