Những chuyến du lịch nhỏ hay những phút thư giãn cho ngày nghỉ cuối tuần,góp phần thắp sáng tình yêu thương trong gia đình. Ảnh: Gia đình anh chị Luyến Hoàn, thị trấn Mai Châu (Mai Châu)thăm thú, trải nghiệm bản du lịch cộng đồng ở chính nơi mình đang sống.
Thời đại công nghệ số, nhiều gia đình thay vì gặp gỡ, tâm sự, trao đổi, chia sẻ trực tiếp với nhau, lại dùng đến phương tiện hỗ trợ là các thiết bị điện tử thông minh với những cú điện thoại hay dòng tin nhắn ngắn ngủi, vô cảm. Vì bận học thêm, làm thêm, gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp… nên bữa cơm hàng ngày thường không đủ mặt các thành viên trong gia đình. Theo đó, việc tìm tiếng nói chung trong mỗi gia đình ngày càng trở nên khó khăn, sợi dây gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo. Khi ấy, gia đình không còn thực sự là "tổ ấm”, là bến đỗ bình yên của mỗi người.
Thông tin về anh M. và chị H. đã "đường ai nấy đi" khiến cả khu phố ngạc nhiên. Bởi, trong mắt mọi người đó là cặp đôi khá hoàn hảo, một mẫu gia đình mà nhiều người mơ ước. Anh là doanh nhân thành đạt, còn chị cũng là lãnh đạo cấp phòng của một cơ quan nhà nước. Hơn 10 năm chung sống họ đã có 2 con, 1 trai, 1 gái, có nhà đẹp, xe sang…
Vật chất đủ đầy, nhưng tình cảm thì ngày càng vơi cạn và đó là lý do mà chị H. đơn phương nộp đơn ly hôn. Vì khá kín tiếng nên khi mọi thủ tục đã xong xuôi, anh M. chuyển đến nơi ở khác, hàng xóm, láng giềng và bạn bè mới biết chuyện. Khi ấy, chị H. mới giãi bày: "Có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Lý do khiến hôn nhân rạn nứt là vì chị đã quá mệt mỏi khi phải chịu đựng sự bạo hành về mặt tinh thần trong suốt thời gian dài. Không đánh đập, nhưng anh M. thường xuyên mắng chửi vợ con mỗi khi có việc không vừa ý. Làm chủ doanh nghiệp nhỏ, công việc không quá bận rộn nhưng mọi việc trong gia đình, đối nội, đối ngoại anh phó mặc cho vợ. Con ốm chị nghỉ việc để chăm, con đi học, đi chơi chị nghỉ việc để đưa đón, còn khi chị ốm thì phải tự lo cho mình. Anh ít khi có mặt ở nhà và nếu có cũng chỉ làm bạn với ti vi, điện thoại. Chịu áp lực lớn từ công việc ở cơ quan, gia đình mà không có người chia sẻ, nên mới bước vào ngưỡng tuổi 40 chị đã mắc bệnh trầm cảm, mất ngủ triền miên, đôi lần bị suy nhược cơ thể. Cảm nhận rõ sự ngột ngạt, bức bối trong cuộc sống gia đình, lại thêm mối lo không khí gia đình như vậy ảnh hưởng đến tinh thần của con trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, chị lặng lẽ làm thủ tục ly hôn.
Thực tế, số người rơi vào hoàn cảnh như chị H. không nhiều. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, hiện toàn tỉnh có 83,6% hộ đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hoá”, đồng nghĩa với 83,6% hộ có cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ. Tuy nhiên, con số đó không nói lên tất cả, bởi trong tiến trình hội nhập quốc tế, nhịp sống hiện đại, những giá trị cốt lõi của gia đình Việt đã bị đảo lộn.
Khi nhắc đến việc vun đắp hạnh phúc gia đình, người Việt ta có câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Câu tục ngữ nhấn mạnh vai trò trụ cột kinh tế của người đàn ông, còn phụ nữ là người vun vén cho nếp nhà yên lành, trên thuận dưới hòa. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, khi người phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trường, các hoạt động xã hội và cũng phải lo kiếm tiền để chăm lo cho cuộc sống gia đình, khi "đàn ông xây nhà”, đừng quên cùng "đàn bà xây tổ ấm”. Để gia đình thực sự là "tổ ấm" thì mỗi cá nhân cần phải làm chủ bản thân để cân bằng cuộc sống, vừa làm tốt công việc, vừa vun đắp hạnh phúc gia đình.
Thúy Hằng
(Hội Nhà báo tỉnh)