(HBĐT) - LTS: Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (NQ 68) nhằm giúp doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) vượt khó trong đại dịch Covid-19. Xung quanh những vấn đề được dư luận quan tâm trong triển khai, thực hiện NQ 68, Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Quách Thị Kiều, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.


Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Sơn phổ biến, trao đổi những nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP tới người lao động trên địa bàn thị trấn Vụ Bản. Ảnh: P.V

P.V: Xin đồng chí cho biết những điểm mới và nội dung chính NQ 68 của Chính phủ?

Đồng chí Quách Thị Kiều: Trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bài học kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để NLĐ và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách, phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Nghị quyết tập trung hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo đó, điều kiện hỗ trợ, giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương còn 15 ngày, bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên. Giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động còn 15% lao động, giảm điều kiện vay trả lương ngừng việc, bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính của DN và giảm điều kiện ngừng việc còn 15 ngày.

Nghị quyết cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ đang mang thai, nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh...

P.V: Trên tinh thần khẩn trương, tích cực, kịp thời, xin đồng chí cho biết tiến độ triển khai NQ 68 tại tỉnh?

Đồng chí Quách Thị Kiều: Có 12 nhóm chính sách hỗ trợ NLĐ và DN được NQ 68 đưa ra. Cụ thể, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn cho người bị nhiễm Covid-19 trong thời gian điều trị bệnh, người là F1 phải thực hiện cách ly y tế; hỗ trợ 1 lần cho một số lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác. Thời gian và mức hỗ trợ cho từng đối tượng tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngày 14/7/2021, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện NQ 68 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đến các tỉnh, thành phố. Ngay sau hội nghị, Sở đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, đồng thời Sở cũng trình UBND tỉnh công bố các thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Do năm nay, nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công không thuộc diện được hỗ trợ. Mặt khác, tình hình sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn dược duy trì, phạm vi giãn cách xã hội không lớn nhờ tỉnh kiểm soát được dịch bệnh nên dự kiến, số lượng lao động thuộc diện hỗ trợ trên địa bàn không nhiều.

P.V: Thực tế ở gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đó đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến trục lợi chính sách. Để chủ động hạn chế sai sót, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Quách Thị Kiều: Với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của năm 2020, do yêu cầu triển khai gấp, đối tượng thuộc diện được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh khá nhiều (hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công, NLĐ...). Một đối tượng có thể thuộc nhiều diện và thời điểm xác định đối tượng được hưởng lấy theo quyết định phê duyệt kết quả hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019... nên trong quá trình thực hiện có những sai sót.

Thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, năm 2021, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan, trong kế hoạch triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương trong việc thẩm định hồ sơ đối tượng thuộc ngành quản lý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ngay từ cơ sở, công khai, minh bạch chính sách để mọi người dân biết và tham gia giám sát. Đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, hạn chế sai sót, nhất là việc trục lợi chính sách.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bùi Minh (TH)


Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục