Đoàn kiểm tra liên ngành Hội đồng an toàn vệ sinh lao động tỉnh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ tại mỏ đá Bình Thanh (Cao Phong).
Vụ TNLĐ đầu tiên xảy ra vào thời điểm đầu tháng 3, tại điểm trụ cầu T5 thuộc dự án xây dựng cầu Hòa Bình 2, phía tổ 1, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình). Nạn nhân là N.V.H (SN 1979), công nhân Công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính (Hà Nội). Diễn biến vụ việc sơ bộ vào 7h ngày 7/3, sau khi tổ thợ gồm 6 người, trong đó có ông N.V.H. nghe phổ biến và quán triệt công tác an toàn, ông H. đã đến mở van bình chứa oxy để thực hiện công việc thì bình oxy phát nổ. Hậu quả ông H. bị văng ra xa, tử vong tại chỗ.
Vào hồi 16h30', ngày 15/5, tại đuôi bể tiêu năng của đập xả tràn thuộc Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, xã Yên Phú (Lạc Sơn) xảy ra 1 vụ TNLĐ nghiêm trọng khác. Nạn nhân là B.D.H (SN 1993), công nhân khoan, làm việc cho Công ty TNHH địa chất và tư vấn xây dựng công trình Khải Hưng (Thanh Hóa). Diễn biến vụ việc bắt đầu từ 14h cùng ngày, anh H. cùng 1 công nhân khác thực hiện nhiệm vụ khoan lỗ neo để phục vụ đổ bê tông. Trong quá trình khoan được khoảng 30 phút thì có hiện tượng rò rỉ điện ra ngoài tay nắm của máy khoan, người công nhân cùng làm kịp thời buông tay và nhảy ra khỏi vị trí khoan. Riêng nạn nhân H. không kịp buông tay nắm dẫn đến bị điện giật chết tại chỗ.
Vụ TNLĐ làm chết người gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại chân máng khai thác đá số 2, thuộc mỏ đá núi Sếu của Công ty TNHH xây dựng, thương mại và vận tải Hợp Tiến, địa chỉ thôn Quèn Thị, xã Cao Dương (Lương Sơn). Theo đó, khoảng 7h ngày 15/7, nạn nhân N.N.C (SN 1966) cùng một công nhân khác thực hiện khoan phá đá quá cỡ tại chân núi. Trong quá trình làm việc, ông C. đang kéo dây hơi phục vụ khoan thì đá phía trên vách núi cách vị trí đứng khoảng 2 m bất ngờ lăn xuống đè lên người ông C. dẫn đến tai nạn. Hậu quả, ông C. chết trên đường đưa đi cấp cứu.
Theo đồng chí Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ TNLĐ do người lao động không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc ATVSLĐ. Thống kê năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ TNLĐ tại khu vực có quan hệ lao động, trong đó có 11 vụ TNLĐ nhẹ (trong ngành may, do kim đâm vào tay), 5 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 6 người; 7 vụ tai nạn trong khu vực không có quan hệ lao động, làm chết 8 người. Đoàn kiểm tra liên ngành Hội đồng ATVSLĐ tỉnh vừa hoàn thành đợt kiểm tra việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN) tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ. Qua đánh giá cuối đợt kiểm tra, các đơn vị đã thực hiện pháp luật lao động nhưng chưa đầy đủ. Tồn tại, hạn chế chủ yếu ở các doanh nghiệp là chưa tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ cho lao động thử việc. Lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định…
Để đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thi công công trình xây dựng, tỉnh tích cực triển khai các giải pháp, đồng thời, tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác ATVSLĐ. Các địa phương quan tâm huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện công tác ATVSLĐ - PCCN để nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động được tăng cường. Đặc biệt, trong thanh, kiểm tra ATVSLĐ chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra lại tình hình thực hiện kiến nghị sau thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với doanh nghiệp buộc thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng về công tác ATVSLĐ - PCCN.
Bùi Minh