Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn kiểm tra hoạt động chợ Đồi Sim, xã Thanh Sơn.
Đến nay, trên địa bàn huyện mới chỉ ghi nhận 2 ca dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, do huyện là địa bàn giáp ranh với TP Hà Nội, nơi đang xuất hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng, trong đó có các ca bệnh lây nhiễm tại siêu thị, chợ dân sinh. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa lượng người đi chợ, tránh tập trung đông người, vừa qua,UBND huyện Lương Sơn đã ban hành Văn bản số 1413 /UBND-KTHT yêu cầu UBND các xã, thị trấn,đơn vị quản lý chợ trên địa bàn thực hiện phân chia, sắp xếp lịch đi chợ cho người dân mua hàng hóa thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên địa bàn huyện hiện có 5 chợ dân sinh phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân, gồm: chợ trung tâm huyện ở thị trấn Lương Sơn, chợ Quán Trắng ở xã Liên Sơn, chợ Sồ ở xã Cao Dương, chợ Bến ở xã Thanh Cao, chợ Đồi Sim ở xã Thanh Sơn. Trong đó, chợ trung tâm huyện có lưu lượng người đi chợ đông nhất, phục vụ nhu cầu mua bán của người dân thị trấn Lương Sơn và các xã vùng trung tâm huyện. Vì thế, việc phân bổ cho người dân của từng xã, thị trấn đi chợ theo ngày, vào từng thời điểm khác nhau là việc làm cần thiết trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.
Chị Bùi Thị Nga ở xóm Giếng Xạ, xã Cư Yên cho biết: Hàng ngày, tôi đều đến chợ trung tâm huyện để mua hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống cho cả gia đình, nay vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải 3 ngày mới được đi chợ, nhưng tôi thấy rất đồng tình với chủ trương chỉ đạo của huyện. Làm như này người dân đi chợ thấy thoải mái hơn, không phải chen chúc, đảm bảo giãn cách, chống được dịch Covid-19 lây lan.
Ghi nhận tại chợ Đồi Sim ngày 3/8, lượng người đi chợ giảm hẳn khi các xã Thanh Sơn, Thanh Cao cũng triển khai việc phát phiếu đi chợ cho người dân. Chị Nguyễn Thị Hiền ở xóm Hợp Thung, xã Thanh Sơn chia sẻ: Việc chính quyền địa phương phát phiếu đi chợ theo ngày được Nhân dân đồng tình, ủng hộ,tôi thấy chỉ thực sự cần thiết mới phải đi chợ để mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày, nếu không cũng không ra ngoài làm gì trong thời gian đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh việc giảm tải lượng người đến chợ, việc đảm bảo chất lượng hàng hóa cung ứng cho chợ cũng được các cấp chính quyền và tiểu thương quan tâm. Chị Hoàng Thị Mười là tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồi Sim cho biết: Dù nguồn hàng lấy từ bên ngoài vào huyện khó khăn hơn nhưng quầy hàng của gia đình vẫn luôn giữ bình ổn giá, các loại lương thực, thực phẩm không có sự biến động về giá, chỉ có mặt hàng trứng gà, vịt tăng khoảng 200 - 300 đồng/quả do nguồn hàng chủ yếu được nhập từ các địa phương của huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ:Việc phát phiếu đi chợ cho người dân góp phần giảm thiểu tối đa lượng người đến chợ, tránh tập trung đông người. Đồng thời cũng góp phần phục vụ điều tra, truy vết dịch tễ khi cần thiết, trong trường hợp dịch xuất hiện trên địa bàn.
Dự kiến trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho những người kinh doanh tại các chợ dân sinh. Với cách làm này, hy vọng huyện sẽ không phát hiện thêm ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng, nhất là tại các chợ dân sinh.