(HBĐT) - "Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai”, trong nhiều năm qua, xác định rõ vai trò đặc biệt của trẻ em đối với gia đình và toàn xã hội, các cấp, ngành trong tỉnh đã, đang có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tạo môi trường lành mạnh cho trẻ được sống, học tập và phát triển toàn diện.


Đoàn Thanh niên phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình) xây dựng khu vui chơi tại tổ dân phố số 8,tạo cơ hội cho trẻ có không gian vui chơi lành mạnh, bổ ích.

Những nỗ lực trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Trong nửa đầu năm 2021, cả tỉnh có 21 vụ xâm hại trẻ em, 23 trẻ bị xâm hại, riêng huyện Đà Bắc có số vụ xảy ra nhiều nhất với 7 vụ, 9 trẻ bị xâm hại. Nếu như trước đây, khi trẻ bị xâm hại, gia đình thường không tố cáo mà tự giải quyết, nhưng nhiều năm trở lại đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân đã mạnh dạn đến các cơ quan có thẩm quyền để tố cáo khi nhận thấy có dấu hiệu hành vi xâm hại trẻ em, phối hợp cùng các cơ quan chức năng đưa những "yêu râu xanh" ra ánh sáng. Đó là một trong những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của địa phương.

Trong năm 2020, toàn tỉnh có 102.552 gia đình đạt "Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em”, 472 trường học đạt "Trường học an toàn phòng, chống TNTT cho trẻ em”, 280 cộng đồng đạt "Cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT cho trẻ em”. Giai đoạn 2016 - 2020, trung bình mỗi năm có trên 110 nghìn trẻ trong độ tuổi tiểu học, THCS được trang bị kỹ năng ATGT, hơn 90 nghìn trẻ được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trên 18.000 trẻ biết bơi và trên 9.000 trẻ được dạy bơi.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 2.333 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 45.611 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Mặc dù đã có nhiều biến chuyển tích cực, tuy nhiên, theo đánh giá, tình hình tai nạn thương tích (TNTT) và trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Từ năm 2016 - 2020 và 6 tháng đầu năm nay có 126 trẻ em tử vong do đuối nước, 125 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Hai anh em B.T.M và B.T.M tại xã Kim Bôi (Kim Bôi) có mẹ đi làm công nhân ở Đồng Nai, bố cũng đi làm công nhân xây dựng tại Hà Nội. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bố mẹ không về được, hai em ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau. Mặc dù nhờ sự giúp đỡ của họ hàng và làng xóm cũng như tiền bố mẹ gửi về, về vật chất của hai em cơ bản không quá thiếu thốn, nhưng kết quả học tập cả hai đều giảm sút thấy rõ kể từ khi không còn sự kèm cặp của bố mẹ. Đồng chí Quách Đình Vận, Chủ tịch UBND xã Kim Bôi (Kim Bôi) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã, không ít trẻ em do hoàn cảnh kinh tế gia đình, bố mẹ phải đi làm xa dẫn đến trẻ phải tự lập và trưởng thành sớm. Thiếu sự quan tâm, yêu thương và kèm cặp của bố mẹ là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ dễ bị tấn công bởi thông tin xấu, độc trên môi trường mạng, hoặc tự ý đi chơi ở những khu vực nguy hiểm gây ra TNTT.

Cần nhiều hơn nữa trách nhiệm của cộng đồng

Từ năm 2015 đến nay, các cấp, ngành đã truyền thông trực tiếp cho trên 753 nghìn lượt người về lĩnh vực bảo vệ trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; tổ chức 1.639 hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, với sự tham gia của trên 583 nghìn lượt trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng sống, tự bảo vệ cho trẻ em về phòng tránh TNTT, bạo lực, xâm hại tình dục. Tăng cường truyền thông về Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số điện thoại 111) để mọi người dân và trẻ em liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.

Đồng chí Đỗ Thị Loan, Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ban, sở, ngành, huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn truyền thông về bảo vệ trẻ em. Công tác bảo vệ trẻ em được lồng ghép với theo dõi đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em, được thực hiện ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa, giảm thiểu và trợ giúp. Giảm thiểu số lượng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức và xã hội. Thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà các hộ gia đình và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào những dịp đặc biệt trong năm.

Chăm lo cho thế hệ tương lai, những "mầm xanh” của đất nước là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Để trẻ phát triển toàn diện, khoẻ mạnh, an toàn cần hơn nữa sự chung tay của cả cộng đồng.


Khánh Linh


Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục