Người lao động đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Lương Sơn cài đặt phần mềm VssID và kê khai hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Anh Nguyễn Hà Long, xã Nhuận Trạch cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty ít việc, tôi nghỉ làm từ tháng 7/2021 nên cuộc sống cũng khó khăn. Hiện, tôi đang đi tìm việc mới. Mấy hôm nay nghe nói có chính sách hỗ trợ lao động (NLĐ) thất nghiệp của BHXH Việt Nam nhưng không biết mình được hưởng hay không, tôi đến đây để hỏi về điều kiện, thủ tục hưởng hỗ trợ. Mọi thủ tục đều nhanh gọn, thao tác trên điện thoại và không phải ký giấy tờ. Nếu tôi đã cài đặt phần mềm VssID thì cũng không cần đến trực tiếp.
Sau thời gian nghỉ thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, cửa hàng buôn bán đồ điện tử Tuấn Sa của gia đình chị Trần Thị Sa Sa, tiểu khu 8, thị trấn Lương Sơn đã hoạt động trở lại. Trong thời gian giãn cách cửa hàng đóng cửa, NLĐ của cửa hàng phải nghỉ việc. Hàng tồn đọng gây khó khăn cho gia đình. Chị Sa cho biết: Được cán bộ BHXH huyện hướng dẫn thủ tục nên các lao động của cửa hàng được hưởng hỗ trợ đầu tiên của huyện. Ngoài ra, gia đình tôi được giảm đóng 1 năm BHTN cho các lao động. Mọi thủ tục đều nhanh gọn, chính sách của Chính phủ đã kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và NLĐ.
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN, trên địa bàn huyện Lương Sơn có gần 11 nghìn lao động và 371 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được BHXH hỗ trợ. Đây là số lượng NLĐ và doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ chính sách lớn nhất toàn tỉnh và lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Hồng Thái, Giám đốc BHXH huyện cho biết: Đối với ngành BHXH đây là chính sách chưa có trong tiền lệ; thời gian triển khai ngắn, kịp thời hỗ trợ NLĐ. Đây là áp lực lớn với ngành BHXH. Từ ngày 1/10 thực hiện nghị quyết, cán bộ của BHXH huyện không được nghỉ ngày nào. Chúng tôi phấn đấu đến giữa tháng 10 cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động. Do vậy, để kịp thời chi trả hỗ trợ, chúng tôi chọn phương án hồ sơ nào hoàn thiện, đầy đủ thông tin chi trả trước, hồ sơ nào còn thiếu thông tin, sai lệch chỉnh sửa làm sau. Vừa làm vừa tháo gỡ vướng mắc, dễ làm trước, khó làm sau. Doanh nghiệp ít lao động làm trước, doanh nghiệp nhiều lao động làm sau, như thế không bị dồn việc, làm đến đâu gọn đến đấy và rút ra được kinh nghiệm. Ngoài NLĐ, vừa qua chúng tôi đã chi trả hỗ trợ ngay với doanh nghiệp ít NLĐ như gia đình Tuấn Sa. Hộ kinh doanh này chỉ có vài lao động, hồ sơ rõ ràng không phức tạp. Với cách làm như vậy vừa kịp thời hỗ trợ NLĐ, vừa tránh nhầm lẫn đối tượng và để cán bộ BHXH rút kinh nghiệm triển khai ở những doanh nghiệp khác, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ngành BHXH.
Việt Lâm