(HBĐT) - Mua hàng online (đi chợ chỉ bằng một cú kích chuột trên máy vi tính, hay dòng tin nhắn trên zalo, facebook…) từ lâu đã được giới trẻ lựa chọn. Trong điều kiện dịch Covid-19, dịch vụ mua bán trên không gian mạng ngày càng nở rộ, khiến chợ online trở nên rộn ràng theo đúng nghĩa.
Khi chợ online sôi động, nghề giao hàng (shipper) trở thành nghề hot.Ảnh: P.V
Tràn ngập các trang bán hàng online
Thời điểm dịch bệnh, nhiều người đang có việc làm ổn định bỗng dưng thất nghiệp. Để có việc làm, thu nhập, nhiều chị em chọn cách bán hàng online. Vì thế, mỗi khi lướt zalo, facebook dễ dàng bắt gặp hình ảnh các mặt hàng và những dòng tút đại loại như: "Em về cá bống sông Đà nhé cả nhà. Lên đơn ủng hộ em nào”; "Chả cá sông Đà săn chắc, thơm ngọt và không có mùi tanh… lên đơn em ship tận bàn”; "Gà đồi Lạc Sơn ngủ trên cây đây bà con ơi, ai yêu ới em ship ạ”, "Chả mỡ nướng Hà Nội - thực phẩm an toàn mùa Covid”... Nhân viên các cửa hàng điện tử, điện máy, hàng công nghệ trên địa bàn TP Hòa Bình bị khoán sản phẩm, doanh thu cũng tích cực rao bán hàng online: "Dịch dã ai mua gì ới em nha: laptop, Ipad, điện thoại, phụ kiện… em ship tận nơi ạ”. Với các trang bán hàng mỹ phẩm, thời trang thì khỏi phải nhắc đến kỹ năng PR (quảng cáo) với những ngôn từ hết sức mỹ miều, đại loại như: "Đẹp rạng ngời tự tin khoe tài sắc - hãy tìm đến em mỹ phẩm X…”; "Da khô, sạm nám có em Y… xuất xứ Hàn Quốc”; "Sữa tắm Z… em tắm, anh yêu sẵn nha các chị yêu”... Lướt facebook khoảng chừng 5, 7 phút có thể đếm khoảng 10 livestream bán sản phẩm từ quần áo, chăn ga, gối đệm, loa đài, đồng hồ thời trang với những câu mào đầu: "Em xả hết kho nghỉ dịch, giá rẻ như cho”; "Thanh lý toàn bộ cửa hàng, vừa bán vừa cho không lo về giá”; "Đầm đẹp nào các chị ơi, đi tiệc, đi chơi em có đủ, giá iu thương ạ”… Vậy là chỉ cần ngồi trước máy tính hay điện thoại, Ipad, khách hàng có thể mua được tất cả những thứ mình cần, kể cả những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.
Nhiều khách hàng "khóc dở, mếu dở” vì mua hàng online
Tiện lợi là điều đã rõ ràng. Chị Phạm Thanh Hương, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Trước đây, tôi thường trực tiếp đi mua các mặt hàng tiêu dùng gia đình, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế tôi ít đi chợ, siêu thị hơn. Thay vào đó, tôi chuyển sang đặt mua qua mạng. Vào những địa chỉ quen sẽ đặt được hàng như ý muốn và được các shipper giao hàng tận nhà”. Thực tế, với những tiện ích như đơn giản, tiện lợi…, hình thức mua sắm qua mạng đang ngày càng thu hút người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi từ thành thị đến nông thôn tiếp cận.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, tuy nhiên, hình thức mua sắm hàng hóa online tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là khi người bán hàng cố tình "treo đầu dê, bán thịt chó”, dẫn đến việc "đặt hàng một đàng, nhận hàng một nẻo”, sản phẩm được đưa đến người tiêu dùng không đúng chủng loại, hình ảnh đã được đăng tải, phát trên livestream. Là một trong những tín đồ mua hàng online từ hàng chục năm nay, chị Trần Thùy Linh, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) thừa nhận: Đúng là mua hàng online có nhiều tiện lợi nhưng cũng có nhiều bất cập không thể lường. Bản thân chị Linh đã nhiều lần "khóc dở, mếu dở” vì mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Có lần chị đặt mua một chiếc đầm giá 999 nghìn đồng, shop tư vấn được đổi, trả thoải mái nếu không vừa ý, chuyển tiền trước khách hàng sẽ được miễn tiền ship… Khi nhận hàng, thay vì chiếc đầm đẹp đẽ, sang trọng, trên tay chị Linh là một chiếc áo phông (nửa áo, nửa váy) dành cho lứa tuổi teen. Chị lập tức gọi điện lại cho shop, người nghe điện thoại khá ân cần: "Xin lỗi chị, do khách hàng quá đông nên chắc nhân viên bên em chốt nhầm đơn hàng. Chị vui lòng chờ 3 hôm nữa sẽ có nhân viên đến đổi trả hàng cho chị”. Tuy nhiên, chờ mãi chẳng thấy ai liên hệ để đổi trả hàng và đó cũng là lần cuối cùng chị liên hệ được với shop thời trang trên. Hay trường hợp mua đồ ăn sẵn như giò, chả, nem, các loại bánh…, do quá trình vận chuyển, bảo quản không tốt nên khi nhận hàng bị ôi thiu, một số loại bánh (bánh sắn, bánh hạt dẻ, xíu páo, da lợn…) đã trở nên cứng ngắc phải bỏ đi.
Thực tế, một khi chọn cách mua hàng online, khách hàng khó tránh khỏi sự nhập nhèm về chất lượng. Để hạn chế thấp nhất những tổn thất do mua hàng online, những người nghiền lướt web mua hàng như chị Linh chia sẻ kinh nghiệm: Chỉ mua những shop đã quen, địa chỉ bán hàng có uy tín, khi mua yêu cầu xem ảnh thật và có so sánh giá cả, nhận hàng mới thanh toán tiền…, nếu chỉ để thỏa cơn nghiền mua sắm thì chỉ mua các mặt hàng giá bình dân, lỡ không dùng được đỡ tiếc.
Lam Nguyệt
(Hội Nhà báo tỉnh)
(HBĐT) - Theo thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 21/10 đã có 181 tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh với tổng số tiền 541 triệu đồng. Trong đó, Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chuyển về 100 triệu đồng; các tổ chức, cá nhân trong tỉnh ủng hộ 441 triệu đồng.
(HBĐT) - Những năm qua, vai trò của các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Cao Phong được phát huy mạnh mẽ, giải quyết nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong Nhân dân, góp phần ổn định tình hình ANTT, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Hiện Việt Nam tạm thời công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Các địa phương, ngành liên quan đang khẩn trương thực hiện các chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm sẽ là 125 triệu đồng.
(HBĐT) - Trong 9 tháng năm 2021, LĐLĐ huyện Lạc Thủy đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đoàn viên.