(HBĐT) - Cầm quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn vào dịp 2/9 vừa qua, sau hơn 3 năm 6 tháng chấp hành án phạt tù về hành vi "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” trở về địa phương, chị Bùi Thị Dình, trú tại xóm Chạo, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) chia sẻ: Khi trở về với cộng đồng, việc đầu tiên tôi phải làm đó là tái hòa nhập với cuộc sống xã hội. Khi còn chấp hành án, nhiều lúc tôi vẫn mông lung suy nghĩ, không biết khi ra tù mình sẽ làm gì để tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ), để có cuộc sống ổn định. Khi về nhà, nhận được quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người thân sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón, tạo điều kiện hỗ trợ là động lực để tôi có đủ tự tin, quyết tâm làm lại cuộc đời sau lầm lỗi.
Phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh được giáo dục, quản lý tốt, tạo động lực xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án xong.
Cũng như chị Bùi Thị Dình, Bùi Văn Mạnh ở xóm Mừng xã Xuân Phong (Cao Phong) khi được đặc xá tha tù trước thời hạn cũng được người thân, bạn bè và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ về mọi mặt để vững tin trên hành trình THNCĐ. Gặp lại chúng tôi, Mạnh khoe vừa được nhận thẻ căn cước công dân mới. "Có được thẻ căn cước công dân, em tự tin hơn rất nhiều trên hành trình THNCĐ. Dù biết phía trước nhiều khó khăn, thử thách, nhưng những năm tháng cải tạo, chấp hành án đã làm em sáng rõ nhiều điều. Đó là hành trang để những người từng có quá khứ lầm lỗi tự tin hơn trên hành trình hướng thiện” - Bùi Văn Mạnh chia sẻ.
Cũng là người từng chấp hành án phạt tù, sau khi ra tù được cấp ủy, chính quyền địa phương và người thân hỡ trợ, giúp đỡ, anh Nguyễn Mạnh T. ở tổ 16, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) từ 2 bàn tay trắng đã vươn lên mở dịch vụ kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, tạo việc làm, thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng cho 3 lao động địa phương...
Theo thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) về địa phương sinh sống. Để hỗ trợ người CHXAPT xóa bỏ mặc cảm tội lỗi, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố đã phối hợp các đơn vị có liên quan giải quyết việc làm, hỗ trợ người CHXAPT vay vốn phát triển kinh tế, THNCĐ. Điển hình như Hội Nông dân thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) đã giúp đỡ 9 người hết thời hạn chấp hành án phạt tù trở thành hội viên, bảo lãnh cho 7 người được vay vốn ủy thác để phát triển kinh tế gia đình. Hội Nông dân huyện Cao Phong bảo lãnh cho 2 người, Hội Nông dân huyện Lạc Thủy bảo lãnh cho 8 người vay vốn sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Theo Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh, để tiếp tục giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT THNCĐ, đơn vị đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố đưa nội dung thực hiện biện pháp bảo đảm THNCĐ đối với người CHXAPT vào chương trình công tác, kế hoạch công tác trọng tâm xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và công tác dân vận của lực lượng Công an. Nhờ vậy đã đem lại hiệu quả thiết thực. Từ đó có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả cao. Tiêu biểu như các mô hình: "Phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi THNCĐ” của UBND xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) đã giúp đỡ THNCĐ cho 2 người CHXAPT về địa phương sinh sống; "Cảm hóa, giáo dục đối tượng CHXAPT” của Công an phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đã cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 27 người CHXAPT về địa phương. Qua đó, góp phần tích cực đảm bảo giữ vững ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng người CHXAPT tái vi phạm pháp luật.
Mạnh Hùng