Khu tái định cư tại xóm Sào Vót, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) được khẩn trương thi công để bàn giao mặt bằng vào cuối năm nay.
Đồng chí Bùi Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có địa bàn rộng nhưng dân cư sinh sống thưa thớt. Theo thống kê, tổng diện tích toàn xã có 2.868 ha, nhưng chỉ có 54 ha đất ở. Dân cư sinh sống theo từng chòm nhỏ lẻ ở khu vực ven suối, chân đồi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trận mưa lũ lịch sử năm 2017 làm sạt lở hàng trăm điểm trên địa bàn, gây nhiều thiệt hại. Cụ thể, 1 căn nhà đổ sập hoàn toàn, 1 căn nhà và nhiều vật nuôi bị nước cuốn trôi; hơn 100 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi nước lũ dâng và sạt lở đất, trong đó, 34 hộ cần cấp bách di dời. Sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu các phương án, xã đã tham mưu UBND huyện lựa chọn khu đất tại xóm Sào Vót, trước đây là khu ruộng cạn bạc màu để làm khu TĐC. Dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư.
Con sông Sào (hay suối Sỹ) lâu nay luôn là mối đe dọa với tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ven sông và quanh chân đồi vào mùa mưa lũ. Sào Vót là xóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Anh Bùi Văn Miên, trưởng xóm Sào Vót chia sẻ: Trong số các hộ dân sống trong khu vực nguy hiểm, Sào Vót chiếm đến 27/34 hộ. Một số nhà ven sông sau mỗi trận lũ, lòng sông lại lấn vào sâu thêm một chút, không ít hộ có cột nhà chỉ cách mé nước vài mét. Nhà ở chân đồi thì đất, đá sạt lở ngay sau nhà, mỗi lần mưa là ăn không ngon, ngủ không yên. Các hộ luôn sống trong thấp thỏm, lo âu. Nhiều gia đình đã phải dựng nhà tại khu vực ven đường để làm chỗ ở tạm cho gia đình. Khi biết trong thời gian tới sẽ được chuyển đến nơi ở mới, bà con mừng lắm, đếm từng ngày để được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn.
Thăm nhà bà Bùi Thị Len, xóm Sào Vót, ngôi nhà sàn bằng gỗ tạp là nơi sinh sống của gia đình có 7 thành viên (1 cụ già gần 100 tuổi). Ngôi nhà xuống cấp trầm trọng. Cột nhà sau nhiều lần nước lũ chảy qua bị ẩm, mối mọt, sàn nhà bằng nứa cũng chỗ lồi, chỗ lõm không đều nhau. Theo chia sẻ của bà Len, phía sau nhà là một khe nước cạn, mỗi mùa mưa đến nước đổ từ khe xuống sân nhà. Hàng năm, gia đình huy động nhân lực chở đất đắp ngăn nước từ khe chảy vào nhà. Tuy nhiên, chỉ ngăn được dòng nước nhỏ chứ trời mưa nhiều thì nước cứ thế gạt đổ tường ngăn để chảy xuống. Sau mỗi lần như vậy, gia đình lại mất mấy ngày dọn dẹp. Khi được xã thông báo gia đình nằm trong diện di dời về nơi ở mới cách đó 1 km, bà và gia đình rất mừng. Mong mỏi bấy lâu của bà Len cũng như nhiều hộ đã sắp trở thành hiện thực.
Ghi nhận tại công trường xây dựng khu TĐC, các loại máy móc, thiết bị đang hoạt động tích cực, mục tiêu cuối năm nay phần mặt bằng được hoàn thiện để bàn giao cho các hộ. Đồng thời, các hạng mục như: điện, nước, nhà văn hóa cũng sẽ được thi công, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Khánh Linh (TTV)