(HBĐT) - Cách trung tâm huyện 32 km, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) là xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện. Trạm y tế (TYT) xã được xây dựng từ năm 1988 đến nay đã trên 33 năm, xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc khám bệnh, điều trị cho bà con trong xã.
Trạm có 9 phòng, chia làm 2 dãy nhà, trong đó 1 dãy được xây dựng từ năm 1988 với 4 phòng chức năng, dãy còn lại xây năm 2013 với 5 phòng. Tại dãy nhà xây từ năm 1988, các phòng đều xuống cấp khá nghiêm trọng, trần làm bằng gỗ bị sập xuống do mục nát; vôi vữa tường nhà bong tróc, ẩm mốc, cửa sổ cũng đã hư hỏng. Sàn nhà ẩm thấp, đọng nước, mọc nhiều cỏ dại. Dãy nhà có 4 phòng, phục vụ các chức năng: Y học cổ truyền, tư vấn, lưu bệnh nhân, trong đó phòng y học cổ truyền không thể sử dụng được, tạm để làm kho chứa đồ. Các phòng còn lại đều chật hẹp, trời mưa dột nhiều ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh của người dân. Dãy nhà xây dựng năm 2013 với 5 phòng chức năng nhưng cũng phải sửa chữa năm 2014. Cơ sở vật chất xuống cấp khiến trạm phải dồn phòng, kiêm nhiệm nhiều chức năng dẫn đến nhiều tình huống dở khóc, dở cười, như bệnh nhân nam đang khám phụ khoa lại có sản phụ gõ cửa vào sinh đẻ… Theo quy định, TYT cơ sở hoạt động với 10 - 11 phòng chức năng, thực tế TYT xã Ngổ Luông chỉ hoạt động được với 6 - 7 phòng. Trang thiết bị dù được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu máy xét nghiệm, siêu âm…, chưa đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Bác sỹ Bùi Văn Thuận, Trạm trưởng TYT xã cho biết: "Nhiều phòng làm việc của trạm xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu của người dân, phải xen ghép phòng dẫn đến chật chội, bất tiện trong việc khám, điều trị. Trạm xuống cấp, ẩm thấp dẫn đến các thiết bị như giường, tủ, bàn ghế, thuốc men cũng nhanh hỏng, thiếu vệ sinh”.
Hiện, trạm có 7 cán bộ (có 1 bác sỹ), khám, chữa bệnh trung bình 15 bệnh nhân/ngày, chăm sóc sức khỏe cho trên 1.600 người dân xã Ngổ Luông. Cơ sở vật chất xuống cấp nên điều kiện vệ sinh đối với bệnh nhân và các y, bác sỹ không được đảm bảo. Mặc dù trạm đã nhiều lần khắc phục, sửa chữa, nhưng do thời tiết, khí hậu vùng cao rất nhanh xuống cấp, nhất là các thiết bị bằng gỗ nhanh hư hỏng. Việc vệ sinh phòng chức năng, phòng làm việc cũng được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn khó đảm bảo điều kiện vô khuẩn, an toàn. Do cách xa trung tâm huyện, giao thông còn khó khăn, các ca bệnh, trường hợp sinh đẻ khó vẫn phải thực hiện khẩn cấp tại trạm, điều kiện không đảm bảo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ gây nhiễm trùng cho người bệnh. Dù vậy người dân vẫn phải đến khám, điều trị tại trạm vì không còn cách nào khác.
Cơ sở vật chất xuống cấp, khó khăn, trang thiết bị thiếu thốn ảnh hưởng nhiều đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân, những ca không xử lý được tại trạm phải chuyển tuyến, đi lại rất xa bằng xe máy. Do đó, cán bộ y tế, người dân xã Ngổ Luông mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đầu tư sửa chữa, xây dựng được dãy nhà mới kiên cố, khang trang; hỗ trợ trang thiết bị cần thiết cho trạm nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, để người dân yên tâm hơn mỗi khi đến TYT thăm khám, điều trị.
Hoàng Anh