(HBĐT) - Cách trung tâm huyện gần 20 km, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn. Nhiều năm trở lại đây, nhờ tận dụng tốt diện tích đất rừng sẵn có, bà con tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần tăng thêm thu nhập, từng bước cơ bản ổn định cuộc sống.
Bà con xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) trồng mới diện tích keo vừa khai thác.
Đến Lạc Sỹ, dọc theo con đường bê tông vào xã là những cánh rừng keo bạt ngàn trải dài ngút tầm mắt. Cứ cánh rừng nọ được khai thác thì mảnh đồi kia được người dân trồng mới, như một vòng tuần hoàn của sự sinh sôi nảy nở. Người trồng, người khai thác, người lên rừng chăm bón, tiếng cười nói râm ran. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau vận chuyển keo thô đến nơi tiêu thụ.
Theo giới thiệu của đồng chí Bùi Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đến Sào Vót, xóm có diện tích rừng lớn nhất xã. Dưới tán rừng cao vút, ngôi nhà 2 tầng khang trang của ông Bùi Văn Nun nằm yên bình. Ông Nun cho biết: Ngôi nhà đang ở, xe máy đang đi và tất cả những đồ dùng tiện nghi trong nhà đều nhờ rừng mà có. 10 năm về trước, gia đình tôi thuộc diện nghèo của xóm, cả nhà 4 người sống trong căn nhà sàn làm bằng gỗ tạp, mỗi lần mưa to là xô chậu xếp khắp nhà để hứng nước mưa chảy từ trên mái xuống, hai đứa con chỉ được cho học hết lớp 9 phải nghỉ đi làm vì không có tiền để học tiếp. Gia đình tôi có 4 ha rừng, bắt đầu trồng từ năm 2006, đến năm 2012 bán vụ đầu tiên. Khi đó, giá bán trung bình 60 triệu đồng/ha, nhờ số tiền đó mới có kinh phí phá bỏ nhà sàn cũ, xây lại nhà bê tông kiên cố.
Giống như ông Nun, gia đình ông Bùi Văn Niên cũng là một trong nhiều hộ dân tại Lạc Sỹ có cuộc sống ổn định nhờ rừng. Thu nguồn lợi từ 7 ha rừng trồng nối tiếp nhau, từ việc bế tắc khi chưa tìm được hướng thoát nghèo, nay ông đã có tiền sửa sang lại nhà cửa, sắm được chiếc ô tô tải để phục vụ bà con trong làng, trong xã. Theo đồng chí Bùi Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND: Xã bắt đầu phát triển kinh tế đồi rừng từ năm 2004. Tổng diện tích đất lâm nghiệp 2.594,14 ha, riêng đất rừng sản xuất chiếm đến 2.211,54 ha. Diện tích đất nông nghiệp chỉ đạt 98,1 ha, chủ yếu ruộng bạc màu, không năng suất. Nếu chỉ trông chờ vào cấy lúa và trồng hoa màu thì nguồn lương thực không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con. Chính vì thế, nhiều hộ đã xác định trồng rừng là nguồn sinh kế bền vững, giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm rõ rệt, giai đoạn 2010 - 2016, xã còn trên 50% hộ nghèo, đến giai đoạn 2016 - 2020 giảm còn 20%. Trên 70% hộ có nhà xây kiên cố, đồ dùng trong gia đình đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản.
Sinh ra dưới tán rừng, cuộc sống gắn liền với rừng và phát triển kinh tế nhờ những nguồn lợi từ rừng. Không chỉ trồng rừng sản xuất và khai thác gỗ keo mà bà con Lạc Sỹ còn tận dụng nguồn hoa tạp trong rừng để nuôi ong lấy mật. Mới đây, trong hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2021, sản phẩm mật ong Lạc Sỹ của HTX nông nghiệp Lạc Sỹ được đánh giá chuẩn hóa 3 sao, tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
9 tháng năm nay, diện tích rừng trồng khai thác trên địa bàn 180,8 ha, trồng mới 180,8 ha. Sản lượng ước đạt 13.560 m3, sản lượng củi khai thác 7.232 ster, giá trị sản xuất ước đạt trên 10 tỷ đồng. Xã đã triển khai tuyên truyền các hộ đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, diện tích trồng cây gỗ lớn đạt khoảng 15% tổng diện tích trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh trồng rừng sản xuất gắn với bảo vệ rừng tự nhiên đầu nguồn.
Khánh Linh
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang xây dựng dự thảo chương trình phục hồi, phát triển thị trường lao động gồm 7 nhóm giải pháp lớn, trong đó tập trung việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
(HBĐT) - Trong những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, trên địa bàn huyện từ ngày 6 - 21/11 ghi nhận 10 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 với gần 300 người tiếp xúc gần (F1).
(HBĐT) - TP Hòa Bình là địa phương chỉ đạo hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các giải pháp phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện các mục tiêu KT-XH.
(HBĐT) - Nhiều năm nay, tỉnh ta luôn quan tâm tới công tác bình đẳng giới (BĐG). Hàng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động cho từng giai đoạn với những mục tiêu và giải pháp cụ thể thực hiện các nội dung BĐG. Theo đó, vai trò của phụ nữ trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, GD&ĐT, chăm sóc sức khoẻ, quản lý Nhà nước... ngày càng được khẳng định.
Đúng 20 giờ ngày 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Cũng trong ngày, cả nước thêm 9.617 ca F0.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, vào lúc 20h hôm nay (19/11), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.