(HBĐT) - Huyện Tân Lạc có 16/16 xã, thị trấn với 146/159 xóm, khu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN). Trong đó có 9 xã và 9 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; sản xuất, đời sống của ĐBDTTS ổn định, tình hình ANCT - TTATXH, đoàn kết dân tộc được giữ vững.
Hộ dân xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy vẫn là xã vùng III nhưng Lỗ Sơn đã có sự chuyển mình rõ nét. Xã đang dồn lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vào năm 2022 theo kế hoạch đề ra. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các cấp, ngành và phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần vượt khó của cán bộ, Nhân dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã được xây dựng khá đồng bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Những khó khăn về đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, tổ chức sản xuất... dần được tháo gỡ. Với đức tính chịu thương, chịu khó và được trang bị kiến thức thông qua các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao KHKT, bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp, có giá trị kinh tế như trồng mướp đắng, dưa bao tử, bưởi đỏ, nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi lợn quy mô hàng hóa... từ đó tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã.
Thực tế cho thấy, từ thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả thiết thực, cải thiện đời sống người dân. Trong đó phải nói đến sự hỗ trợ trực tiếp, giúp người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cải tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt là từ hưởng lợi của Chương trình 135 và các chương trình hỗ trợ khác đã góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc.
Đồng chí Bùi Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện chia sẻ: Những năm qua, Chương trình 135 như đòn bẩy thúc đẩy phát triển các xã, xóm ĐBKK. Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình đã có nhiều công trình được đầu tư xây mới, sửa chữa, duy tu đưa vào sử dụng như: Đường giao thông nông thôn, kênh mương, nước sinh hoạt, nhiều dự án đa dạng hóa sinh kế cho người dân được triển khai… Đơn cử như trong năm qua, chương trình đã hỗ trợ đầu tư 28 công trình tại các xã, gồm 12 công trình giao thông, 1 công trình giáo dục, 15 công trình nhà văn hóa. Đồng thời đầu tư duy tu 44 công trình, gồm: 26 công trình giao thông, 11 công trình thủy lợi và các công trình giáo dục, nhà văn hóa, y tế, nước sinh hoạt. Với chủ trương "xã có công trình, dân có việc làm, tăng thu nhập”, các công trình giao cho xã làm chủ đầu tư đã khuyến khích người dân vùng hưởng lợi tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng.
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế thông qua triển khai các mô hình chăn nuôi lợn nái, bò sinh sản; hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hóa chất sát trùng chuồng trại, hỗ trợ phân bón, máy cày bừa, với trên 720 hộ được thụ hưởng; mở 7 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hơn 200 người. Từ sự hỗ trợ này giúp bà con vùng ĐBKK có cơ hội thoát nghèo.
Mặc dù đã có sự đổi thay tích cực, song với xuất phát điểm thấp, điều kiện phát triển KT-XH nhiều nơi bất lợi nên hiện nay, về mặt bằng chung, huyện Tân Lạc còn nhiều khó khăn. Điều tra thực trạng KT-XH vùng DTTS cho thấy, toàn huyện hiện có 79 hộ thiếu đất ở, 357 hộ thiếu nhà ở, 43 hộ thiếu đất sản xuất, 1.288 hộ thiếu nước sinh hoạt phân tán, có nhu cầu hỗ trợ... Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH vùng ĐBDTTS&MN còn khó khăn, nhất là về đường liên xóm, liên xã, giao thông nội đồng; hệ thống kênh mương cần xây mới, sửa chữa lớn; nhiều hộ nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai có nhu cầu được di dân tái định cư... Từ thực trạng này, huyện kỳ vọng khi triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tạo lực đẩy giúp huyện phát triển.
Thu Hiền