Cộng tác viên dân số xã Tây Phong (Cao Phong) tuyên truyền cho người dân về công tác DS-KHHGĐ.
Ngày 27/5/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1180 về việc thành lập Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế, tiền thân là Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em. Từ đây công tác DS-KHHGĐ chuyển sang một chặng đường mới, chặng đường vừa tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh, vừa từng bước chuyển hướng sang mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, gắn liền với công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trải qua giai đoạn xây dựng và phát triển, với nỗ lực của toàn hệ thống, công tác dân số của tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Riêng Chi cục DS-KHHGĐ đã được Bộ Y tế tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2011; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2020. Và năm 2021 được Bộ Y tế tặng bằng khencho tập thể đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về DS-KHHGĐ thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Năm 2008, sau khi chuyển chức năng quản lý Nhà nước về dân số sang ngành Y tế quản lý đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trực thuộc Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em trước đây không khỏi có những giao động băn khoăn, đặc biệt là những cán bộ chuyên trách dân số ở xã, phường, thị trấn, song dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Chi cục DS-KHHGĐ đã nhanh chóng củng cố tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, tích cực chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy,HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền với công tác DS-KHHGĐ. Cùng với việc tích cực làm tốt công tác tham mưu, ra các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số, các phong trào thi đua thực hiện chính sách dân số tiếp tục được phát động sâu rộng như phong trào thôn, tổ dân phố, khu dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên; làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ... Từ đó, nhận thức của của người dân trong tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt trong việc chấp nhận quy mô gia đình nhỏ, ít con; các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ cơ bản đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu được giao. Kết quả hoạt động của công tác dân số được thể hiện rõ qua nhiều mặt hoạt động, quy mô gia đình 2 con được đa số các gia đình chấp nhận. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm khoảng 1%, tỷ số giới tính khi sinh giảm. Các hoạt động khám sức khoẻ trước khi kết hôn, phòng bệnh tan máu bẩm sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần đưa chất lượng dân số của tỉnh từng bước được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 72,7 tuổi. Hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ được củng cố và phát triển. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đạt 75,4%; công tác truyền thông vận động được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi dân số bền vững cho đại bộ phận cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân.
Cùng với tốc độ già hóa dân số nhanh thì trong giai đoạn hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh luôn ở mức cao và khó kiểm soát. Tỷ lệ xét nghiệm, chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp. Tình trạng vị thành niên, thanh niên quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn ngày càng tăng, ảnh hưởng tới chất lượng nòi giống. Đứng trước những thách thức vừa phải phấn đấu đạt mức sinh thay thế, vừa phải chuyển trọng tâm sang mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành mộtsố quyết định phê duyệt các đề án nâng cao chất lượng dân số như: Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025; Kế hoạch xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/sức khoẻ sinh sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Các văn bản này đã từng bước thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác DS-KHHGĐ cũng còn gặp rất nhiều những khó khăn như đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi, địa bàn dân cư rộng, phân bố không đồng đều, gây rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng. Hơn nữa kinh phí đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên còn thấp làm cho một bộ phận cộng tác viên không mặn mà với công việc. Vì vậy, đội ngũ này thay đổi thường xuyên gây khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như đào tạo. Chương trình chỉ tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chưa quan tâm thích đáng tới vị thành niên, thanh niên, nam giới, người cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và người có uy tín trong cộng đồng.
Để khắc phục khó khăn, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ đã đề ra mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và phấn đấu đạt mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với rà hóa dân số, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.
Minh Tuấn