Từ sáng 6/2, người dân từ các địa phương đổ dồn về cửa ngõ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn để làm việc, học tập sau kỳ nghỉ dài, lượng ô-tô, xe máy tăng đột biến, khiến nhiều đoạn tuyến bị ùn tắc giao thông.


Người dân từ các tỉnh phía nam đổ dồn về Thủ đô Hà Nội ngày cuối kỳ nghỉ lễ Tết. Ảnh: MỸ HÀ

Càng về chiều 6/2, trên các tuyến đường vào trung tâm thành phố, phương tiện nối đuôi nhau thành hàng dài. Do lượng xe từ đường cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình và cầu Thanh Trì đổ về tăng cao từ 15 giờ, tình trạng ùn tắc đã xảy ra ở đường vành đai 3 trên cao đoạn Pháp Vân-Mai Dịch. Trên đường cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình, chiều về Hà Nội ùn tắc kéo dài từ trạm thu phí Liêm Tuyền đi Vực Vòng do tai nạn xảy ra giữa ba ô-tô. Trong khoảng thời gian từ 15 giờ đến 15 giờ 30 phút, lực lượng chức năng phải phân luồng cho phương tiện trên đường cao tốc đi vào hướng quốc lộ 1 hoặc cầu Yên Lệnh (quốc lộ 10, quốc lộ 38). Trong khi đó, nút ra đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại Cổ Linh, các phương tiện nhích từng chút, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải dầm mưa để điều tiết giao thông. Khoảng 16 giờ chiều 6/2, tại bến xe Giáp Bát có rất ít xe khách vào bến, hệ số sử dụng ghế dao động khoảng 30-50% do không có nhiều người chọn xe khách làm phương tiện di chuyển. Tại khu vực cổng trả khách bến xe Mỹ Đình, xe khách từ các tỉnh đổ về khá thưa thớt. Theo lãnh đạo bến xe Nước Ngầm, lượng người và phương tiện vào ra đông đúc vào rạng sáng mồng 6 Tết, chủ yếu là các tuyến xe đường dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh, đi khung giờ đêm để sáng sớm tới Hà Nội. 

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, tại 321 nút giao thông trọng điểm, các tuyến trục chính, tuyến vành đai, Công an thành phố đã huy động 100% quân số làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn giao thông, phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan ứng trực xe cẩu kéo để kịp thời giải quyết các sự cố, va chạm, phòng ngừa ùn tắc. "Trong ngày cuối kỳ nghỉ Tết, trời mưa lạnh, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông vẫn đội mưa làm nhiệm vụ, bảo đảm giao thông thông suốt. Trong đêm 6 và rạng sáng 7/2, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục bám sát hiện trường, bảo đảm trên các tuyến đường quan trọng luôn có lực lượng ứng trực đón người dân trở về thành phố an toàn”, Đại tá Dương Đức Hải khẳng định. 

Trong ngày mồng 6 tháng Giêng, lượng người từ các nơi quay về thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến, chủ yếu là người lao động quay lại để làm việc. Các bến xe Miền Đông, Miền Tây tấp nập đón hàng trăm chuyến xe khách từ các nơi đưa người trở lại thành phố. Bến xe Miền Đông từ 2 đến 6 giờ đã có khoảng 400-500 lượt xe khách liên tỉnh về bến. Ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: Khách từ các tỉnh trở lại thành phố tăng từ rạng sáng 5/2 và kéo dài đến rạng sáng 7/2 với gần 1.000 lượt xe, tương đương 16 nghìn lượt hành khách về bến. Tại Bến xe Miền Tây, từ ngày 5/2 trở đi, có 930 chuyến xe, tương đương khoảng 22 nghìn hành khách. Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong, đơn vị quản lý phà Cát Lái (nối thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Trong hai ngày 5 và 6/2, mỗi ngày có khoảng 70 nghìn lượt người qua phà, đơn vị quản lý và lực lượng chức năng đã phối hợp điều tiết để không xảy ra tình trạng ùn tắc phía thành phố Thủ Đức.

Hàng chục nghìn người dân từ các tỉnh Tây Nam Bộ trở lại thành phố Hồ Chí Minh đã gây ùn tắc cục bộ tại chân cầu Mỹ Thuận phía bờ Vĩnh Long. Gần trưa, đoạn cầu Mỹ Thuận đến ngã ba An Hữu (thuộc địa phận xã An Hữu-huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), lượng phương tiện di chuyển rất chậm. Anh Nguyễn Văn Minh, quê An Giang đi xe máy chở theo vợ và con nhỏ cho biết, đoán khả năng xảy ra kẹt xe, gia đình anh khởi hành từ 4 giờ sáng nhưng đến cầu Mỹ Thuận cũng đành chịu cảnh ùn tắc vì quá đông phương tiện. Mặc dù tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thông xe dịp Tết, tuyến quốc lộ 1 qua Tiền Giang được giảm tải, nhưng cầu Mỹ Thuận là "nút thắt cổ chai” khiến lượng phương tiện lưu thông đến đây bị dồn ứ lại. Lực lượng Công an hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang đã có mặt tại các "điểm nóng” trên quốc lộ 1, đoạn cuối đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận để điều tiết, phân luồng giao thông. Tại thành phố Cần Thơ xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực cửa ngõ, giáp ranh với Hậu Giang; trên các tuyến quốc lộ 91, quốc lộ 91B, lượng phương tiện tăng cao. Do lưu lượng phương tiện giao thông tăng, các trạm thu phí BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp và trạm thu phí BOT Cần Thơ-An Giang đều phải mở thêm làn để thu phí thủ công, bố trí bảo vệ hướng dẫn phương tiện đi đúng làn đường.

Sau nghỉ Tết, hàng nghìn người dân từ các tỉnh theo tàu về ga Hà Nội, Sài Gòn, các đoàn tàu đều kín chỗ, đông nhất là tàu Hải Phòng LP6 về ga Hà Nội trưa 6/2 có hơn 1.000 khách; các tàu SE36 Vinh-Hà Nội, tàu Thống nhất SE8 về trong chiều, tối 6/2 cũng có hơn 400 khách/đoàn tàu, gần kín phương án chỗ. Tại ga Sài Gòn, ngành đường sắt tổ chức chạy 8 đến 9 đoàn tàu/ngày chiều bắc vào nam, các cung chặng như Vinh-Sài Gòn, Nha Trang-Sài Gòn đều kín chỗ trên tất cả đoàn tàu. Các ngày từ 7 đến 9/2, hầu hết chặng Vinh-Sài Gòn, Đà Nẵng-Sài Gòn, Quảng Ngãi-Sài Gòn, đã kín chỗ. Giai đoạn sau nghỉ Tết Nguyên đán đến ngày 13/2, ngoài 4 mác tàu Thống nhất chạy hằng ngày, ngành đường sắt sẽ chạy thêm nhiều tàu khu đoạn để phục vụ người dân trở về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm việc.

Theo Cảng vụ Hàng không miền Bắc, trong ngày 6/2, sân bay Nội Bài (Hà Nội) khai thác hơn 370 chuyến bay (gồm 168 chuyến nội địa đi, 166 chuyến nội địa đến, 18 chuyến quốc tế đi và 20 chuyến quốc tế đến). Lượng khách nội địa đi từ cửa ngõ hàng không khu vực phía bắc này đạt khoảng 56 nghìn khách. Hành khách qua Nội Bài ngày cao điểm dịp Tết năm nay tăng gần gấp hai lần so cao điểm Tết Nguyên đán năm trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so Tết Nguyên đán năm 2020 (ngày cao điểm đạt 620 chuyến với 91 nghìn hành khách), cho nên vẫn chưa đạt công suất tối đa. Đón trước nhịp độ tăng trưởng trở lại của các đường bay nội địa, cùng với việc khôi phục đường bay quốc tế thường lệ chở khách, sân bay Nội Bài đã có kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ theo từng giai đoạn, phối hợp các hãng hàng không để nắm bắt chính xác kế hoạch bay, mở tối đa hệ thống máy soi chiếu an ninh, mở lại khai thác sảnh E, điều chỉnh quầy thủ tục, sắp xếp cửa ra máy bay, băng tải hành lý phù hợp. Hơn 100 quầy check in tại nhà ga T1 và 22 điểm soi chiếu an ninh có khả năng thông qua 4.000 khách/giờ.

Để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân đi vào phía nam sau kỳ nghỉ Tết, các hãng hàng không đang lên kế hoạch tăng chuyến từ nay đến ngày 12/2. Ngay trong sáng 6/2, các hãng đã xây dựng kế hoạch tăng hơn 100 chuyến bay trong các ngày từ 6 đến 12/2, chủ yếu ở chặng Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh. Do các giờ ban ngày đã kín, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ đêm. Tại sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), trong ngày 6/2, lượng khách tiếp tục phá kỷ lục từ đầu mùa Tết với hơn 670 chuyến bay, hơn 101 nghìn lượt người. Lượng khách tăng cao đột biến khiến xe taxi bị thiếu trầm trọng, nhiều người phải chờ đợi vài tiếng mới đón được xe, một số hành khách chờ quá lâu phải kéo hành lý ra đường Trường Sơn để đón taxi. Cảng vụ Hàng không miền Nam đã trực tiếp làm việc với các ngành chức năng và Hiệp hội Vận tải taxi, cũng như yêu cầu các đơn vị tại Tân Sơn Nhất căn cứ kế hoạch phục vụ Tết xây dựng phương án phối hợp tăng cường phương tiện để giải phóng khách nhanh, tránh bị ùn tắc. Nhà chức trách hàng không cũng khuyến cáo hành khách đến Tân Sơn Nhất trong dịp này nên chủ động xe cá nhân hoặc đặt xe trước để tránh phải chờ đợi quá lâu tại sân bay.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục