(HBĐT) - Với vị trí nằm trên trục quốc lộ 6, trải dài 7 km từ xóm Kẽm đến xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) có tiềm năng phát triển ngành nghề thương mại, dịch vụ. Mặt khác, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư về du lịch, sản xuất công nghiệp. Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn không ngừng cải thiện. Xã là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác giảm nghèo, điểm sáng giữ vững 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Cùng với Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng đã đi vào hoạt động lâu năm, trên địa bàn còn có một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch, như Công ty CP du lịch thung lũng Nữ Hoàng; Ivory Villa&Resort… đã, đang góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động. Tính riêng Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 300 lao động địa phương. Mặt khác, với địa thế gần khu công nghiệp Lương Sơn, có hơn 200 người lao động thuộc các xóm đang làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, chủ yếu làm việc tại Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Gia Linh chuyên về mặt hàng thiết bị chăn nuôi.
Cũng với việc hình thành các doanh nghiệp và sự thuận lợi về giao thương đã thúc đẩy mạng lưới thương mại, dịch vụ của xã ngày càng mở rộng. Hầu hết các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, kết hợp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Theo thống kê có 165 hộ kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 360 lao động. Đáng kể trong 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hộ vẫn chủ động khắc phục khó khăn, tiếp tục đầu tư để kinh doanh, phục vụ các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, xóm Đoàn Kết duy trì nghề truyền thống gỗ lũa đá cảnh tạo nguồn thu nhập cao, thị trường tiêu thụ ổn định.
Tính đền thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Đồng chí Bùi Anh Quý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trường hợp hộ nghèo ở xóm Dốc Phấn đang nuôi 2 con nhỏ (1 người con bị khuyết tật). Năm 2020, được sự quan tâm kịp thời từ Quỹ Vì người nghèo, gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết. Hàng năm, cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể địa phương từ xã đến xóm dành sự chăm lo, giúp đỡ thường xuyên để hộ nghèo tiếp tục vượt qua khó khăn. Hộ gia đình này cũng được tạo điều kiện có thu nhập từ công việc phù hợp.
Xã tiếp giáp với thị trấn Lương Sơn với hơn 1.000 hộ, trên 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mường, sinh sống ở 8 xóm. Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương xác định là mục tiêu hàng đầu để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Hàng năm, xã phối hợp các ngành của huyện mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tạo điều kiện để các hộ sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Triển khai hỗ trợ để nhân rộng hiệu quả các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác… Toàn xã có 2.764 người trong độ tuổi lao động. 6 tháng đầu năm, có 86 lao động tìm được việc làm mới, 2 người đi lao động xuất khẩu. Tỷ lệ lao động có việc làm hiện đạt 99,6%. Trong đó, 77,3% lao động đã qua đào tạo, 57% lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, từ kết quả công tác lao động, việc làm đã tác động tích cực đến chương trình giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,09%, hộ cận nghèo còn 0,09%. Bình quân thu nhập đầu người năm 2021 đạt 42 triệu đồng, phấn đấu năm 2022 đạt 47 triệu đồng. Các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội được giải quyết chế độ kịp thời, đầy đủ. Chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được tuyên truyền rộng khắp. Nhân dân tích cực tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Các doanh nghiệp, làng nghề, HTX, tổ hợp tác được quan tâm hỗ trợ phát triển, mở mang hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bùi Minh