(HBĐT) - Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão này, từ tối ngày 10/8 đến chiều 11/8, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 60 - 182mm. Đặc biệt, TP Hòa Bình ghi nhận mưa rất to, trong đó khu vực trung tâm có thời điểm đạt 197,4 mm, khu vực phường Kỳ Sơn đạt 194 mm, xã Độc Lập 177,4 mm... Mưa liên tục, kéo dài trong nhiều giờ đã gây ngập lụt tại nhiều nơi, nhất là khu vực trũng thấp, khu đô thị.
Một đoạn đường An Dương Vương (TP Hòa Bình) ngập sâu do mưa bão.
Mặc dù đã nắm bắt thông tin về mưa bão trên các phương tiện truyền thông và được cảnh báo từ chính quyền địa phương, nhưng nhiều người dân vẫn bất ngờ với cường độ mưa quá lớn, nhất là những gia đình sinh sống ven suối bày tỏ lo ngại về sự nguy hiểm thường trực khi nước lũ lên nhanh, chảy xiết.
Nhìn dòng nước suối Chăm chảy cuồn cuộn, ngấp nghé nền nhà, chị Bùi Thị Diệu Thúy, tổ 3, phường Thống Nhất lo lắng: Từ năm 2017 đến nay mới có đợt mưa khủng khiếp thế này. Đêm hôm trước, cả nhà gần như không ngủ, phải lấy các bao cát kè chắn vì lo nước lũ tràn vào. Sáng ra, tôi phải xin nghỉ làm để ở nhà vì sợ nếu có vấn đề gì còn kịp thời ứng phó, chạy lũ. Nhà gần suối, cứ vào mùa mưa chúng tôi rất sợ, chỉ mong muốn chính quyền địa phương giúp đỡ để có cuộc sống yên ổn.
Ghi nhận trên địa bàn TP Hòa Bình trong ngày 11/8 cho thấy, các tuyến đường như: An Dương Vương, Cù Chính Lan, Hoàng Hoa Thám, Thịnh Lang… có nhiều điểm ngập cục bộ, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, có những khu dân cư, chợ dân sinh, sân trường… cũng bị ngập nặng. Nhiều cánh đồng lúa, hoa màu vụ hè thu nước ngập mênh mông, có nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng. Đặc biệt, các con suối trên địa bàn nước lũ dâng rất nhanh, nguy cơ sạt lở, đe dọa đến cuộc sống, sự an toàn của nhiều gia đình.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay sau khi có thông tin về cơn bão số 2 sẽ gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh, UBND TP Hòa Bình, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố đã kịp thời ban hành công điện và văn bản chỉ đạo các phường, xã, đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão. Đồng thời yêu cầu triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt, không để người và phương tiện qua lại khi nước lũ lên cao...
Đồng chí Nguyễn Đức Ngọc, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Hòa Bình cho biết: Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, lượng mưa trên địa bàn thành phố rất lớn. Các ngầm tràn đều ngập sâu không thể qua lại được. Hầu hết diện tích lúa, hoa màu cũng bị ngập úng. Trước tình hình này, Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã cử các thành viên về cơ sở nắm bắt tình hình và kết hợp cùng các phường, xã kịp thời xử lý các tình huống theo phương châm "4 tại chỗ”. Ngoài ra, đơn vị chức năng bám sát kiểm tra các trọng điểm thường xuyên bị sạt lở hoặc có nguy cơ mất an toàn cao để cảnh báo, di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Theo Đài khí tượng thủy văn Hòa Bình, dự báo đêm 11/8, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, nên ở tỉnh Hòa Bình nói chung và khu vực thành phố nói riêng tiếp tục có mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến từ 50 – 100 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ. Ngày và đêm 12/8, mưa lớn trên khu vực có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Do vậy, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Hòa Bình khuyến cáo chính quyền các phường, xã và người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; cần nêu cao ý thức cảnh giác với các tình huống nguy hiểm, bất ngờ có thể xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thu Hiền
(HBĐT) - Trung tuần tháng 7 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Tân Lạc phối hợp với câu lạc bộ (CLB) Nhân ái tổ chức trao tặng nhà "Mái ấm nhân ái” cho hộ ông Bùi Văn Bịnh, khu Yên Bình, thị trấn Mãn Đức. Vợ chồng ông Bịnh tuổi đã cao, sức yếu, không có con nên cuộc sống hết sức khó khăn. Qua khảo sát và đề xuất từ cơ sở, Hội CTĐ huyện đã kết nối để CLB Nhân ái và chính quyền cơ sở, bà con xóm phố xây tặng gia đình ông Bịnh ngôi nhà kiên cố. Ngôi nhà có tổng trị giá 60 triệu đồng, giúp ông bà Bịnh có chốn an cư chăm sóc nhau lúc tuổi già.
(HBĐT) - Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Mai Châu vừa tổ chức chương trình "Ngân hàng bò”, trao bò giống cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
(HBĐT) - Ngày 9/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/Dioxin tỉnh tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2022).
Theo thông tin mới nhận được từ Vietnam Airlines, chuyến bay VN384 của hãng khởi hành sáng 8/8 từ Hà Nội đi Haneda (Nhật Bản) sau hơn 1 giờ 45 phút cất cánh đã phải quay lại sân bay xuất phát nhằm cấp cứu cho hành khách là trẻ em người Nhật gặp vấn đề về sức khoẻ.
(HBĐT) - Cùng với sự phát triển của báo in và báo điện tử…, phóng sự truyền hình được xem là một trong những ấn phẩm báo chí đặc sắc của Báo Hòa Bình trong thời gian qua. Những phóng viên quay phim luôn có mặt tại cơ sở để tác nghiệp, trực tiếp ghi lại những hình ảnh chân thực, âm thanh sống động giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về những sự kiện, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Với trách nhiệm xã hội và lòng say mê nghề nghiệp, phóng viên trẻ mong muốn là nhịp cầu nối, chuyển tải thông tin nhanh chóng, chính xác đến với độc giả khắp mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế.
(HBĐT) - Năm 2022 - dấu mốc 61 năm kể từ khi thảm họa da cam/ dioxin xảy ra ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022). Những mất mát, đau thương thảm họa này gây ra đã để lại hậu quả, di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Vì vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm của cả cộng đồng.