Thị trường bánh trung thu đa dạng mẫu mã, hình thức bắt mắt để người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh chụp tại quầy bán bánh trung thu trước siêu thị Hoàng Sơn (TP Hòa Bình).
Từ đầu tháng 8, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các Đội QLTT tăng công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin, chủ động phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung thu năm 2022. Chú trọng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu, VSATTP nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo VSATTP. Trong công tác kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin cảnh báo… để giúp các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, người dân chủ động, tự giác chấp hành, tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không bảo đảm VSATTP.
Với sự chủ động, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về hàng hóa không đảm bảo chất lượng, VSATTP. Ngày 26/8, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) phối hợp Đội QLTT số 2 tổ chức tiêu hủy 6.625 chiếc bánh Trung thu không đảm bảo chất lượng, VSATTP đơn vị bắt giữ. Trước đó, tổ công tác Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phát hiện, kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29H - 743.61 do ông Hoàng Minh Khiết, trú tại phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) vận chuyển bánh Trung thu không đảm bảo chất lượng, VSATTP. Qua đấu tranh, ông Khiết khai được ông Trương Hùng Quân, trú tại xã Sơn Cương, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) là chủ số hàng trên thuê mang lên TP Hòa Bình tiêu thụ, qua xác minh làm rõ ông Quân có hành vi buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm. Căn cứ kết quả xác minh, Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt ông Trương Hùng Quân 30 triệu đồng, buộc tiêu hủy số hàng theo quy định.
Qua khảo sát, tại địa bàn TP Hòa Bình và trung tâm các huyện, hoạt động kinh doanh, buôn bán phục vụ Tết Trung thu đang sôi động lên từng ngày. Các mặt hàng bánh Trung thu được trang trí bắt mắt, đa dạng với nhiều thương hiệu lớn như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica. Giá bánh Trung thu năm nay cao hơn so với năm trước từ 5.000 - 15.000 đồng/chiếc tùy loại. Đối với dòng bánh truyền thống dao động từ 55.000 - 100.000 đồng/chiếc tùy loại. Ngoài ra, các cửa hàng, siêu thị còn có dòng bánh Trung thu cao cấp với mẫu mã đa dạng, hộp đựng sang trọng, có xuất xứ, nhãn mác của hãng uy tín trên thị trường với giá bán từ 450.000 đồng đến vài triệu đồng/hộp.
Chị Ngần Thị Trang, nhân viên siêu thị Hoàng Sơn (TP Hòa Bình) cho biết: Sức mua của người tiêu dùng đối với sản phẩm bánh Trung thu bắt đầu tăng từ giữa tháng 8. Người tiêu dùng bây giờ rất cẩn trọng lựa chọn sản phẩm có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Dòng hàng bình dân vẫn được khách hàng lựa chọn nhiều với các nhãn hàng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hiền…
Cùng với mặt hàng bánh kẹo, các cửa hàng đồ chơi trẻ em cũng bày bán nhiều loại đèn Trung thu, đồ chơi trẻ em. Đèn ông sao có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/ chiếc. Theo chia sẻ của chủ các cửa hàng kinh doanh đồ chơi, mặt hàng đồ chơi trẻ em dịp Trung thu phải sát ngày Tết Trung thu mới sôi động, phụ huynh mới mua sắm nhiều để các cháu rước đèn và tổ chức hoạt động tại trường, lớp. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hiện trên thị trường còn bày bán nhiều đồ chơi kích động, bạo lực như súng, kiếm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ em. Do đó, khi mua đồ chơi phụ huynh cần thông thái lựa chọn đồ chơi cho con em mình; kiểm tra rõ nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm có được kiểm định về an toàn chất lượng chưa, phù hợp với lứa tuổi và có tính giáo dục.
Thu Thủy