Nhà máy may Hồ Gươm chi nhánh huyện Lạc Sơn thu hút lao động nông thôn sau đào tạo nghề vào làm việc với thu nhập ổn định.
Chín tháng qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 8 lớp đào tạo nghề, trong đó có các lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại xã Quyết Thắng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tại các xã: Tân Lập, Hương Nhượng, Yên Phú; lớp nghề sửa chữa, bảo dưỡng vận hành máy nông nghiệp tại thị trấn Vụ Bản. Ngoài lớp nghề sửa chữa, bảo dưỡng vận hành máy nông nghiệp trong 3 tháng, các lớp còn lại có thời gian đào tạo 2 tháng. Sau hoàn thành khóa học, lao động nông thôn (LĐNT) được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, áp dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm. Một số học viên sau học nghề may được nhận vào làm việc tại các xưởng may gia công, nhà máy đang hoạt động trên địa bàn.
Để công tác dạy nghề có hiệu quả, UBND huyện, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg huyện đã chỉ đạo và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp, chính quyền địa phương. Đồng thời, nắm chắc nhu cầu lao động cần đào tạo cho mỗi loại nghề, lĩnh vực theo kế hoạch để tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất, bao tiêu hàng hóa… Đặc biệt, huy động tất cả các loại hình cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề; những người sản xuất giỏi, thợ lành nghề trong các doanh nghiệp, nghệ nhân trong các làng nghề cũng tham gia tích cực vào công tác dạy nghề cho LĐNT. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cấp huyện lồng ghép với các chương trình MTQG, gắn chặt với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM). UBND huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Huyện Đoàn, các cơ quan liên quan và UBND các xã thực hiện giải pháp thúc đẩy công tác đào tạo nghề. Giai đoạn 2011-2021 đã tổ chức 14 sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề cho hàng nghìn lượt người lao động trong độ tuổi chưa có việc làm ổn định.
Hiện nay, phần lớn lực lượng lao động trên địa bàn là lao động nông nghiệp, lâm nghiệp. Việc lựa chọn tổ chức các lớp đào tạo nghề chủ yếu thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến các mặt hàng từ nông sản, lâm sản, phù hợp với phong tục, tập quán lao động sản xuất. Đa số học viên sau khi được đào tạo nghề đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng, cải thiện cuộc sống. Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg huyện triển khai đồng bộ 3 nhóm chính sách đối với người học nghề, giáo viên giảng dạy và cơ sở dạy nghề.
Cùng với thực hiện chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, toàn huyện Lạc Sơn đã mở 135 lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp với trên 2.200 học viên, tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Học viên có việc làm sau đào tạo đạt 70%. Nguồn vốn sử dụng đúng đối tượng, hiệu quả. Thông qua công tác đào tạo, ý thức, thói quen của người lao động được nâng cao, có cách nhìn nhận đúng về vấn đề học nghề với giải quyết việc làm, từng bước thích nghi với sự vận động của cơ chế thị trường.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huy động nguồn lực, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã đóng góp tích cực trong giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện chương trình xây dựng NTM. Năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 55%, trong đó trên 20% được cấp chứng chỉ. Hộ nghèo toàn huyện giảm còn 8,65%. Năm 2022 và những năm tiếp theo, huyện Lạc Sơn tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo nghề, mở các lớp nghề chất lượng cao cung ứng nhân lực đảm bảo trình độ, tay nghề cho các doanh nghiệp, cơ sở đã, đang đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Bùi Minh