(HBĐT) - Trở lại xã Cao Sơn (Đà Bắc), con đường khó đi năm nào nay đã êm thuận. Những năm qua, từ các chương trình, dự án đã giúp cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư, cuộc sống người dân có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, để nâng cao mức sống của các hộ vẫn là trăn trở của các cấp ủy, chính quyền xã.



Đường giao thông trên địa bàn xã Cao Sơn (Đà Bắc) được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Anh Triệu Phúc Tuấn, Trưởng xóm Tằm cho biết: Xóm có 104 hộ với 490 nhân khẩu. Là vùng đặc biệt khó khăn, thời gian qua, xóm nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành. Cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Bà con được tiếp cận với nguồn vốn chính sách, tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT áp dụng vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao đời sống. Ngoài diện tích đất lúa khoảng 26 ha, các hộ trồng dong riềng, sắn, ngô ở đất bãi đầm Bắn, tổng diện tích khoảng 60 ha. Ngoài ra, bà con phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn bản địa để tăng thu nhập. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, một số đoạn đường nội xóm chưa được đầu tư, khó khăn, ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa. Nông sản của nông dân làm ra khó khăn về đầu ra. Thanh niên đến tuổi lao động chủ yếu phải đi làm ăn xa. Để giảm nghèo bền vững, xóm mong tiếp tục được đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất; thành lập HTX, xây dựng các chuỗi sản xuất. Đặc biệt, mong muốn trên địa bàn huyện có các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động để giải quyết việc làm cho thanh niên, góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân.

Đồng chí Đinh Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Năm 2021, xã Cao Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Qua hơn 10 năm xây dựng NTM, xã đã huy động tổng nguồn vốn trên 359 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng dân cư chiếm 9,54%. Hiện, 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa; tỷ lệ đất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động đạt trên 60%; hệ thống điện lưới, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hoá được đầu tư khang trang; trên 75% nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 90%; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 40,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 31,53%… Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 44 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, xã chỉ đạo các xóm tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng trong 9 tháng qua trên 1.600 ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 3.000 tấn, đạt 83% kế hoạch; thu nhập ước đạt trên 14 tỷ đồng. Trên địa bàn xã duy trì tổng diện tích cây ăn quả 106,3ha; 48 ha chè, chủ yếu ở xóm Sưng, Sèo. Chăn nuôi phát triển ổn định góp phần nâng cao thu nhập người dân. Bên cạnh đó, với những địa bàn thuận lợi, các hộ phát triển kinh doanh và nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong 9 tháng năm 2022, xã tiếp tục phát triển ổn định 36 cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, thu nhập ước đạt 11,5 tỷ đồng. Trên địa bàn cũng có 76 cơ sở kinh doanh, 32 xe vận tải hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, thu nhập từ thương mại, dịch vụ đạt trên 8  tỷ đồng.

Là xã NTM, tuy nhiên, hiện Cao Sơn vẫn còn một số tiêu chí thiếu và yếu. Do vậy, UBND xã tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thành và nâng cao các tiêu chí. Duy trì khu dân cư kiểu mẫu xóm Nà Chiếu, đồng thời huy động nguồn lực xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại xóm Sèo. Thời gian tới, để nâng cao mức sống người dân, xã xác định nguồn thu nhập chủ yếu trông vào sản xuất nông- lâm nghiệp và chăn nuôi, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, sản phẩm đầu ra luôn bấp bênh, tính toán chi phí hiệu quả không cao. Vì thế, xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước. Về sản xuất, người dân mong được Nhà nước chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, quan tâm thu hút đầu tư để có doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện và xã để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.


 Hương Lan

Các tin khác


Bảo hiểm xã hội tỉnh: Nỗ lực thực hiện hiệu quả chính sách an sinh trên địa bàn

(HBĐT) - Do dư chấn của đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Nhằm huy động tối đa sự vào cuộc của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai công tác BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tỉnh đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình hành động, kế hoạch, quyết định, công văn chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh; phối hợp và ký kết quy chế, chương trình phối hợp công tác với các sở, ban, ngành liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đến người dân.

Duy trì hoạt động 116 tổ hòa giải cơ sở

(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Mai Châu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, huyện luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống loa phát thanh, bản tin tuyên truyền, qua internet, mạng xã hội.

Huyện Lạc Thuỷ đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật

(HBĐT) - Sau 10 năm (2012 - 2022) thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), huyện Lạc Thuỷ đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tiễn

(HBĐT) - Sau khi hoàn thành khóa học nghề may công nghiệp tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mai Châu, chị Khà Thị Huyền, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu được nhận vào làm tại HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu. Sản phẩm HTX làm ra là ví, túi xách, khăn trải bàn... Sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn được đưa đến các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh. Công việc hiện tại đã góp phần giúp cuộc sống của gia đình chị ổn định hơn.

Thúc đẩy hợp tác thanh niên Việt Nam-Campuchia tại các vùng giáp biên

 Sáng 24/10, tại Hà Nội, đã diễn ra chương trình Hội đàm cấp cao giữa Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia, cùng Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Liên hiệp Thanh niên 2 nước giai đoạn 2022-2027.

Sân chơi bổ ích kết nối người cao tuổi ở xóm Ào U

(HBĐT) - "Từ khi câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) ra mắt và đi vào hoạt động, tôi và các thành viên rất háo hức, tham gia sinh hoạt đều đặn vào ngày 18 hằng tháng. Không chỉ trang bị thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho gia đình mà các thành viên còn được gắn chặt tình đoàn kết, sẻ chia những vui buồn, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống…”. Đó là chia sẻ của bà Bùi Thị Lý, thành viên CLB LTHTGN xóm Ào U, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) khi tham gia các mảng hoạt động chính của dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam” (Dự án VIE071).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục