(HBĐT) - Hơn 10 km từ trung tâm xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) dẫn vào xóm Cóc 1, Cóc 2, đường bê tông rộng rãi. Dọc hai bên đường, nhiều công trình nhà ở xây dựng kiên cố, cây cối phủ xanh đất trống, đồi trọc. Hệ thống hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu dân sinh. Diện mạo nông thôn 2 xóm Cóc 1, Cóc 2 khởi sắc, chất lượng đời sống người dân cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.


Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cơ sở vật chất chi trường TH&THCS xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) tại xóm Cóc 2 được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu dạy và học.  

Chi trường TH&THCS xã Ngọc Mỹ tại xóm Cóc 2 vừa được hỗ trợ kinh phí tu sửa, nâng cấp. Theo chia sẻ của các thầy, cô giáo, khi chưa có đường giao thông, việc đi lại rất khó khăn. Từ trung tâm xã đến chi trường hơn 10 km phải đi bộ hết hơn 2 giờ, vì chủ yếu là đường mòn, bùn đất lầy lội. Một số đoạn đi được xe máy thì phải quấn xích vào lốp xe để trống trơn trượt.

Cô giáo Bùi Thị Thủy, người đã có gần 14 năm công tác tại chi trường chia sẻ: "Nhận nhiệm vụ lên xóm Cóc 2 từ năm 2008, thời điểm ấy điều kiện đi lại khó khăn, chỉ có đường mòn băng qua những quả đồi. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, việc dạy và học được tổ chức trong nhà văn hóa xóm hoặc tại những căn nhà tranh, vách đất do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đội ngũ nhà giáo phải đến từng gia đình vận động con trẻ đến lớp. Từ đầu năm 2022, được Nhà nước quan tâm đầu tư đường giao thông, đi từ trung tâm xã đến điểm trường chỉ còn khoảng 20 phút. Cô, trò cũng được dạy và học trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ”.  

Xóm Cóc 1, Cóc 2 thuộc vùng 135, địa hình đa phần là đồi núi cao, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn 2 xóm còn 50 - 60% (cao nhất các xóm trong toàn xã); thu nhập bình quân đạt gần 20 triệu đồng. Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu. Đầu năm 2021, Nhà nước đầu tư nguồn vốn trên 50 tỷ đồng hoàn thành 13 km đường giao thông liên xóm Quạng 2 - Quạng Lảng - Cóc 1 - Cóc 2 - Đôi; huy động trên 50 hộ ở các xóm hiến hơn 1 ha đất các loại để mở rộng đường giao thông. Tuyến đường liên xóm được đưa vào khai thác, nhân dân 2 xóm Cóc 1, Cóc 2 phấn khởi bởi có đường bê tông từ trung tâm xã lên tận xóm, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. 

Anh Bùi Văn Tuần, Phó trưởng xóm Cóc 1 chia sẻ: "Tận dụng lợi thế đất đồi, nhiều hộ phát triển trồng keo nhằm góp phần nâng cao thu nhập. Những năm trước đây, khi đường giao thông liên xóm chưa được đầu tư, 1 ha keo thu về khoảng 40 triệu đồng, nếu đường thuận tiện như hiện nay có thể thu về trên 50 triệu đồng/ha. Có đường, việc đi lại của nhân dân thuận tiện hơn, nhất là những hôm mưa bão”.

Để thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển KT-XH đối với 2 xóm, cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Mỹ đã xây dựng kế hoạch cụ thể, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Dự kiến thời gian tới sẽ khởi công xây dựng nhà văn hóa xóm Cóc 1, Cóc 2 với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng. Duy trì tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT giúp bà con ứng dụng để phát triển các mô hình kinh tế nhằm nâng cao thu nhập; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện.

Đồng chí Bùi Thị Giăng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: Là 2 xóm đặc biệt khó khăn của xã,      Cóc 1, Cóc 2 có địa hình phức tạp, kinh tế chậm phát triển. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục dành nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu. Hỗ trợ sinh kế giúp người dân thí điểm triển khai các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả tích cực. Qua đó sẽ nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Đức Anh

Các tin khác


Hợp tác xã Lộc Phát tạo việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Dù mới thành lập được gần 8 tháng, HTX Lộc Phát, xóm Cuốc, xã Bình Hẻm (Lạc Sơn) bước đầu được đánh giá phát huy tốt vai trò kinh tế tập thể. Với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thú nhồi bông xuất khẩu, HTX thu hút hơn 80 lao động, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Trao tặng nhà lớp học ở xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Công đoàn Tập đoàn Bảo Việt phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc vừa tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nhà lớp học 3 gian trường mầm non Đồng Nghê, tại xóm Cơi, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc. Công trình có tổng mức đầu tư 500 triệu đồng được trích từ nguồn kinh phí an sinh xã hội của Tập đoàn Bảo Việt, với mục đích tạo điều kiện cơ sở vật chất các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập, vui chơi và phát triển tốt hơn trong tương lai. 

Huyện Kim Bôi: Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Kim Bôi tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Huyện Đà Bắc: Mở 17 lớp đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Thực hiện Dự án 5, Tiểu dự án 3, Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nội dung đào tạo nghề và tuyên truyền hướng nghiệp, UBND huyện Đà Bắc phối hợp với các ngành mở 17 lớp đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng.

Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Lạc Thủy thu hút hơn 500 người lao động, học sinh

(HBĐT) - Ngày 22/11, tại thị trấn Ba Hàng Đồi, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp UBND huyện Lạc Thủy tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục