Xã Tú Lý (Đà Bắc) có hộ đã xây dựng được nhà ở khang trang bằng tiền của thành viên trong gia đình gửi về từ đi xuất khẩu lao động.
Chị Vấn chia sẻ: Là người con sinh ra, lớn lên ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc), tôi luôn cố gắng làm những việc tốt nhất có thể để góp phần giúp đỡ người dân. Tiếp nối những kết quả đạt được của năm 2022, trong 8 tháng năm nay, tôi và các tư vấn viên của công ty đã đưa được hơn 30 lao động ở các xã như: Đồng Chum, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Tân Minh, Tân Pheo, Yên Hòa, Nánh Nghê... đi XKLĐ. Đà Bắc cũng là địa phương có số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đông nhất qua kênh tuyển dụng của doanh nghiệp.
Các em: Lường Văn Thư (SN 1995) ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum; Xa Thị Thân (SN 2004) - xóm Náy, Xa Mạnh Hùng (SN 2004) - xóm Thùng Lùng, xã Tân Pheo; Bùi Văn Đội (SN 2003), xóm Đầm Phế, xã Mường Chiềng... là những lao động điển hình tham gia thị trường XKLĐ trong năm nay. Đều thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nên các em được thụ hưởng vay vốn tín dụng chính sách đi XKLĐ theo Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ và một số chính sách hỗ trợ khác về học tiếng, đi lại...
Điều đáng mừng là chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong giai đoạn hiện nay được quan tâm hỗ trợ, lao động ổn định công việc và thu nhập sớm sau khi xuất cảnh. Các lao động trên địa bàn huyện đang làm việc chủ yếu ở thị trường Đài Loan, Nhật Bản, mức thu nhập bình quân từ 22 - 25 triệu đồng/người/tháng. Một số lao động có thể đạt thu nhập trên 35 triệu đồng/tháng, như em Lường Văn Thư ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum làm việc ở thị trường Đài Loan theo đơn hàng cơ khí...
Năm 2018, ông Nguyễn Văn Diệu (SN 1976) ở xóm Tràng, xã Tú Lý đi XKLĐ tại thị trường Đài Loan với đơn hàng xây dựng. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng nằm ngay bên đường vừa hoàn thiện với diện tích sàn hơn 200 m2, bà Đinh Thị Oanh, vợ ông Diệu phấn khởi bộc bạch: Trước đây, gia đình tôi ở trong xóm, nhà cửa tuềnh toàng. Vì làm nghề tự do nên khi nào có người thuê thì chồng tôi đi xây lấy công, thu nhập bấp bênh, mùa mưa không có việc. Sau khi chồng tôi đi XKLĐ theo đơn hàng xây dựng, cuộc sống gia đình 4 người đã đổi khác hoàn toàn, có "của ăn, của để”. Từ số tiền chồng đều đặn gửi về, tôi mua được đất, làm nhà khang trang với chi phí xây dựng trên 1 tỷ đồng. Hết thời hạn 3 năm, chồng tôi tiếp tục xin gia hạn hợp đồng, hiện vẫn đang làm việc ở Đài Loan. Chúng tôi đã bàn bạc, dự tính khi chồng về nước sẽ thu xếp cho cậu con trai ngoài 20 tuổi cũng đi XKLĐ để đảm bảo kinh tế vững vàng trong tương lai.
Theo đồng chí Trần Đức Anh, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đà Bắc, XKLĐ được địa phương xác định là kênh giải quyết việc làm quan trọng, giảm nghèo hiệu quả. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lợi ích của XKLĐ tới NLĐ; tạo cơ hội kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng; kịp thời triển khai các chính sách của T.Ư, của tỉnh đối với NLĐ đi XKLĐ. Năm 2023, huyện tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm tại các xã: Yên Hòa, Tiền Phong, Nánh Nghê, Mường Chiềng, thu hút khoảng 1.200 lao động tham gia. Với nhận thức ngày càng được nâng lên, cơ hội việc làm ở nước ngoài rộng mở, NLĐ trên địa bàn đi XKLĐ số lượng năm sau cao hơn năm trước. NLĐ mang được nhiều ngoại tệ về, đảm bảo "ích nước, lợi nhà” và các quyền lợi khi đi làm việc ở nước ngoài theo kênh hợp pháp doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép, tỉnh giới thiệu về địa phương.
Bùi Minh