Khà Y Hoa năm nay 20 tuổi, sinh ra và lớn lên ở bản Hang Kia, xã Hang Kia. Mặc dù gia đình đông anh em, kinh tế còn nhiều khó khăn, song với mơ ước trở thành cô giáo mầm non nên sau khi học xong THCS, Y Hoa quyết tâm không lấy chồng mà lựa chọn đi học. Hiện em là sinh viên năm thứ 3, Khoa Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.
Y Hoa tâm sự: "Ở bản mình các bạn cùng trang lứa đều xây dựng gia đình hết rồi, thậm chí có người đã 2 mặt con. Bố mẹ nhiều khi sốt ruột cũng thúc dục mình phải mau mau lấy chồng, sinh con. Nhưng mình nghĩ rằng, phụ nữ không nhất thiết cứ phải kết hôn sớm rồi sinh con, quanh quẩn lên nương làm ngô, làm sắn mà có thể làm được nhiều việc khác có ích hơn cho gia đình, xã hội. Mình cũng mong sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc làm đúng ngành nghề để có thể phụ giúp bố mẹ và sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Đến Hang Kia, chúng tôi còn được nghe chị Sùng Y Múa, xóm Hang Kia kể lại câu chuyện của cuộc đời mình: "Mình sinh ra và lớn lên ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò trong gia đình có tới 8 người con, mình là con thứ 5. Ở bản thời ấy mọi người thường không quan tâm nhiều tới chuyện học hành mà đa số xây dựng gia đình, nhất là con gái, vì định kiến con gái lớn lên thì lấy chồng, sinh con nên không cần đi học. Mình thấy các bà, các mẹ, rồi bạn bè kết hôn sớm đều khổ, vì cuộc sống khó khăn, nghèo túng, vợ chồng trẻ con. Chính vì vậy mình nhất quyết không nghe lời cha mẹ và lựa chọn đi học. Đi học vì sợ cái nghèo, sợ không biết chữ nên dù có khó khăn, vất vả cỡ nào cũng phải cố học cho bằng được”.
Chính sự lựa chọn đúng đắn ấy đã giúp Y Múa trở thành cán bộ của Trạm y tế xã Hang Kia ở tuổi 23. Năm 25 tuổi, chị nên duyên cùng một cán bộ công an xã Hang Kia. Hiện tại, chị có một gia đình hạnh phúc và là chủ homestay đắt khách ở xã, một y sĩ sản nhi tin cậy. Chị còn tích cực giúp đỡ, tạo việc làm cho người dân trong bản, nhất là những chị em có hoàn cảnh không may.
Sùng A Bình, xóm Thung Mài, xã Hang Kia chia sẻ: "Em vào làm nhân viên ở Homestay Y Múa được vài năm nay, ngoài em ra còn có 3 chị khác. Chúng em đều có hoàn cảnh khó khăn, có người còn bị khuyết tật. Nhưng với ai cô Y Múa cũng tận tình hướng dẫn, chỉ bảo. Cô không chỉ giúp chúng em có việc làm, thu nhập ổn định mà còn thường xuyên khuyên bảo không nên kết hôn sớm, tập trung học hành chăm chỉ để có tương lai tốt hơn”.
Chị Y Múa cũng là người đảng viên đi đầu, gương mẫu trong thực hiện các phong trào của địa phương, tích cực tuyên truyền người dân xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, đồng thời giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Với những đóng góp tích cực cho xã hội, Y Múa đã trở thành người phụ nữ đầu tiên ở huyện Mai Châu nhận Giải thưởng KOVA 2022 ở hạng mục "Sống đẹp”.
Đồng chí Giàng Y Dua, Chủ tịch Hội LHPN xã Hang Kia cho biết: "Y Hoa và Y Múa là 2 phụ nữ tiêu biểu ở xã đã vượt qua rào cản kết hôn sớm. Họ không chỉ nỗ lực khẳng định được bản thân thông qua việc học mà còn là những phụ nữ tiêu biểu trong thời đại mới, là tấm gương điển hình để chị em học tập, noi theo”.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mà còn trở thành rào cản khiến họ không có tiếng nói trong xã hội, càng không thể nâng cao đời sống của bản thân. Câu chuyện của Y Hoa, Y Múa - những cô gái dân tộc Mông quyết tâm thoát khỏi tục lệ truyền thống của dân tộc, vươn khỏi bản làng để tự tin khẳng định mình đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Mai Châu. Chung tay xóa bỏ hủ tục, quan niệm lạc hậu và giữ gìn, phát huy những phong tục tập quán có giá trị tốt đẹp, nhân văn là cách để giúp phụ nữ nơi đây không còn những lời ru buồn, để ước mơ không còn dang dở, mở ra cơ hội phát triển bản thân, trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội.
Thanh Hạnh
(Trung tâm VH-TT&TT
huyện Mai Châu)