Hộ nghèo xã Thạch Yên (Cao Phong) được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để làm nhà mới, từng bước ổn định cuộc sống.
Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn từ năm 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Các chương trình tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đi vào cuộc sống đã tạo động lực cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh tiếp tục vững bước trên hành trình vượt lên đói, nghèo.
Từ đầu năm đến nay, gia đình bà Bùi Thị Bền, xóm Đai, xã Thạch Yên là 1 trong 28 hộ trên địa bàn huyện Cao Phong được vay vốn hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo sinh sống ở vùng ĐBDTTS&MN theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Gia đình bà Bền có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập phụ thuộc vào làm nông nghiệp, nhà ở xuống cấp nhưng chưa có điều kiện để sửa sang. Tháng 4/2023, với số tiền được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), cộng với tiền tích cóp, gia đình bà Bền đã sửa sang được nhà ở đảm bảo hơn trước. "Kinh tế còn nhiều khó khăn nên nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp gia đình sửa được nhà ở đảm bảo, không còn lo lắng trong những ngày mưa, bão nữa” - bà Bền chia sẻ. Được biết, ngoài gia đình bà Bền, ở xã Thạch Yên còn có 6 hộ khác được vay vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Cũng như gia đình bà Bền, đầu năm 2023, gia đình ông Bùi Văn Dịnh, xóm Quáng Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) đã sửa sang được căn nhà cũ. Trước đây, vào mùa mưa bão, gia đình ông Dịnh luôn lo lắng vì nhà đã xuống cấp. Nhờ được vay vốn hỗ trợ nhà ở từ NHCSXH, đến nay căn nhà được sửa sang khang trang. Theo ông Dịnh chia sẻ: Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình biết đến chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở nên đã làm hồ sơ xin vay vốn. Sau khi tiếp nhận, NHCSXH huyện đã hướng dẫn làm thủ tục và giải ngân vốn vay kịp thời, giúp gia đình có thêm kinh phí sửa nhà.
Bên cạnh cho vay hỗ trợ nhà ở, thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đẩy mạnh thực hiện cho vay về chuyển đổi nghề. Theo đó, nhiều hộ dân được tiếp cận vốn để chuyển đổi sang chăn nuôi trâu, bò, dê, huơu, nai hoặc trồng, chăm sóc rừng, hoạt động dịch vụ. Theo lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, mặc dù đã đem lại những hiệu quả thiết thực, đồng vốn rất được ĐBDTTS trông đợi. Tuy nhiên đến nay, tiến độ triển khai các chương trình tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh còn chậm. Đến hết tháng 9/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP mới đạt gần 22,9 tỷ đồng/401 khách hàng. Trong 9 tháng năm 2023, doanh số cho vay đạt gần 17,7 tỷ đồng, với 310 hộ được vay vốn, hoàn thành 76% theo kế hoạch.
Nguyên nhân chậm triển khai các chương trình tín dụng đối với ĐBDTTS &MN do chưa có danh sách đối tượng thụ hưởng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Có thể nói, Nghị định số 28/2022/ NĐ-CP là chủ trương lớn, có ý nghĩa thiết thực. Việc triển khai kịp thời hơn nữa các chương trình tín dụng theo nghị định sẽ tạo động lực để ĐBDTTS&MN có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Viết Đào