"Xuân về không rượu chẳng có xuân”
Trong dịp Tết đến, xuân về, rượu, bia là thức uống truyền thống gần như không thể thiếu và trở thành một phần của văn hóa Tết. Tuy nhiên, uống như thế nào để vừa vui, vừa bảo đảm sức khỏe trong những ngày Tết thì không phải ai cũng làm được. Ngày Tết, bạn bè gặp nhau nâng ly chúc một năm mới sức khỏe, thành công, làm ăn phát đạt hơn năm cũ; bà con láng giềng quây quần, anh em, họ hàng... nâng chén rượu chia sẻ những niềm vui năm cũ, chúc nhau năm mới thịnh vượng, an khang...
"Xuân về không rượu chẳng có xuân”, nhưng nếu vui quá chén, không biết tự bảo vệ sức khỏe, lạm dụng rượu, bia không chỉ đem đến nhiều nguy cơ gây hại về sức khỏe như tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ bắp, hệ thống miễn dịch, sức khỏe tâm thần... mà còn mang lại nhiều hệ lụy xấu, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội. Với tính chất "thức thần” của rượu, bia và đồ uống có cồn, nhiều trường hợp không làm chủ được bản thân, có những hành vi gây nguy hiểm cho người khác, làm mất ổn định trật tự công cộng, thậm chí gây ra tội ác nghiêm trọng...
Đừng để rượu biến người thành "ma”
Theo bác sỹ CKI Vũ Trung Thành, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trong rượu có chứa độc tố gây hại thần kinh, người uống rượu trong thời gian dài sẽ hủy hoại một số cơ quan trong cơ thể, đồng thời ảnh hưởng đến não bộ cũng như khả năng điều khiển hành vi. Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Andehyt có trong rượu tích lại trong máu, nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng, tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần. Biểu hiện điển hình là sự biến đổi tâm thần, dễ kích động... dẫn đến những hành vi tiêu cực, nguy hiểm.
Thực tế đã có nhiều vụ án mạng xảy ra nguyên nhân từ rượu như con giết cha, giết mẹ, chồng giết vợ, bạn bè đâm chém nhau. Điển hình như vụ Bùi Văn N. (SN 2000), trú tại xóm Mọi Mới, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) sau khi uống rượu xảy ra mâu thuẫn với vợ. Trong lúc tranh cãi, sẵn có hơi men, N. dùng xăng có sẵn trong nhà châm lửa đốt làm 5 người thương vong; ngày 1/7/2023, một số người dân phát hiện Bùi Văn T. (SN 1990) ở xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) tự dùng dao nhọn đâm vào bụng và tử vong tại nhà, kết quả xác minh cho thấy T. thường xuyên uống rượu say, có biểu hiện loạn thần, mất kiểm soát khi say rượu. Ngoài ra nhiều trường hợp khi uống rượu say thường xúc phạm, đánh đập vợ con gây mất trật tự công cộng, thậm chí thực hiện hành vi xâm hại chính con gái ruột như: Bùi Văn B. (SN 1969) - xã Hùng Sơn, Bùi Văn L. (SN 1981) - xã Hợp Tiến (Kim Bôi)...
Theo thống kê, toàn tỉnh có 282 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng trên 800 nghìn lít; 1.859 cơ sở hộ gia đình sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, bình quân mỗi năm sản xuất khoảng trên 700 nghìn lít. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, tình trạng sử dụng rượu, bia có phần lắng xuống. Tuy nhiên, theo dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tình trạng sử dụng rượu, bia có xu hướng gia tăng. Bởi vậy, các cơ quan chức năng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cũng theo bác sỹ CKI Vũ Trung Thành, về góc độ y học không ngăn cấm người dân uống rượu. Tuy nhiên, người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên uống từ 1 - 2 đơn vị (tương đương 1 - 2 chén rượu) để kích thích tiêu hóa, mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nếu uống nhiều, uống vượt qua ngưỡng dung nạp của cơ thể sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến ngộ độc cấp, gây ra những vấn đề đáng lo ngại ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Do vậy, chúng tôi luôn khuyến cáo mỗi người tự nâng cao nhận thức, hạn chế sử dụng hoặc từ bỏ rượu, bia để bảo vệ sức khỏe. Đừng tự biến mình thành những con "ma men” để có lúc phải hối hận vì những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà rượu, bia mang lại. Cũng đừng vì rượu, bia mà vướng vào vòng lao lý sau một phút hưng phấn, bốc đồng...
Mạnh Hùng