Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Nhà ga quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) luôn tấp nập vào đêm khuya, nhất là sau 22 giờ. Trong số những hành khách làm thủ tục nhập cảnh, có một phần không nhỏ là những con dân Việt trở về đoàn tụ đón Tết cổ truyền nơi đất mẹ.
Những cái ôm đoàn tụ sau thời gian dài không gặp mặt. Ảnh: Mạnh Linh - Gia Khiêm/Báo Tin tức
Kể từ Rằm tháng Chạp, số lượng khách nhập cảnh qua đường hàng không tại Sân bay Tân Sơn Nhất tăng từng ngày và luôn ở mức trên 20.000 người. Ngày 27/1, có hơn 20.000 lượt khách nhập cảnh; ngày 28/1, con số này tăng lên tới gần 23.000 hành khách. Dự kiến, càng sát với ngày Tết ông Công ông Táo và những ngày cuối năm Quý Mão, số lượng kiều bào về nước sẽ càng tăng cao để trở về đoàn tụ bên gia đình trong những ngày đón Tết cổ truyền.
Rạng rỡ nụ cười trên gương mặt và sâu trong ánh mắt, sau 8 năm, chị Nguyễn Xuân Huệ Chi (kiều bào sinh sống tại Australia 23 năm) mới về Việt Nam đón Tết Nguyên đán. Công việc cá nhân và ảnh hưởng của COVID-19, những năm tháng đón Tết nơi xứ người càng làm cho chị thêm bồi hồi, xúc động khi đặt chân trở lại quê hương. Chị Nguyễn Xuân Huệ Chi cho biết: Những năm đón Tết xa quê, không khí đón Tết cổ truyền chỉ trong khu vực cộng đồng người Việt tại Melbourne càng làm cho chị thêm đau đáu nhớ về không khí Tết nơi quê nhà cùng gia đình, bè bạn.
"Dịp này, tôi về đón Tết chỉ được 15 ngày nhưng như thế cũng là vui lắm rồi, vì mùng 1 Tết năm nay sẽ không còn phải đi làm như khi ở Australia. Ngay từ lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi không thể kìm nổi sự xúc động, nghẹn ngào dâng trào. Tôi đã chờ đợi ngày về đón Tết bên gia đình, được đi đường hoa Nguyễn Huệ, được hưởng không khí đón năm mới cùng bạn bè, cùng đồng bào cùng chung dòng máu Việt”, chị Huệ Chi xúc động.
Cùng chung chuyến bay về Tân Sơn Nhất, ông Đặng Văn Minh (72 tuổi, sinh sống 10 năm ở Melbourne, Australia) cũng trở về đón Tết ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Sống xa quê hương nhưng ông luôn cố gắng sắp xếp để về Việt Nam đón Tết cổ truyền cùng gia đình, bạn bè. "Dẫu có khó thì cũng cố thu xếp vì đây là quê hương, nơi của ông bà tổ tiên. Lá rụng về cội mà” - ông Đặng Văn Minh chia sẻ.
Trong khi đó, cả 9 người trong gia đình bà Hồ Thị Ngộ (Dĩ An, Bình Dương) đến sân bay từ khá sớm để đón cô em gái từ Hoa Kỳ trở về. Chuyến bay hạ cánh chậm hơn 2 giờ so với dự kiến, nhưng niềm vui luôn thể hiện trên gương mặt của mọi người trong gia đình. Bà Hồ Thị Ngộ chia sẻ: Gần đây nhất em tôi về đón Tết ở Việt Nam là trước khi xảy ra COVID-19, vì thế gia đình rất háo hức chờ đón. Trước lúc lên máy bay, em tôi cũng đã gọi điện về nói rất mong chờ được về sum họp để cùng đón Tết với gia đình”.
Niềm vui, sự xúc động của ông Đặng Văn Minh hay em gái bà Hồ Thị Ngộ cũng là tâm trạng chung của tất cả kiều bào trở về quê đón Tết cổ truyền. Với mọi người con dân đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu, Tết cổ truyền dân tộc vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, là khoảng thời gian của sự đoàn viên, được quây quần trong tình cảm gia đình, bạn bè với những niềm vui và cầu mong mọi sự tốt đẹp. Chính vì vậy, trong dịp Tết cổ truyền, người Việt dù sinh sống, làm ăn ở nơi xa đến đâu cũng cố gắng về quê hương sum họp cùng gia đình đón năm mới.
Trong hai ngày 1 - 2/2 sắp tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình Xuân Quê hương 2024. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm làm nổi bật chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh - viết tiếp thiên anh hùng ca ngời sáng” và hình ảnh của Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng, năng động, sáng tạo, tiên phong trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Những năm qua, Chương trình Xuân Quê hương luôn vinh dự đón các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, tình cảm chân thành tới kiều bào sống xa Tổ quốc, động viên khích lệ kiều bào luôn hướng về và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Đây là sự khẳng định vững chắc về mối liên hệ gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; tiếp tục thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy tinh thần yêu nước, hướng về cội nguồn; khích lệ kiều bào gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc.
Với kiều bào, càng đi xa quê hương, nỗi niềm mong ngóng được trở về mỗi dịp Tết đến Xuân về càng trở nên tha thiết. Chính vì vậy, những khoảng thời gian đón Tết nơi quê nhà lại càng trở nên đáng quý, những kỷ niệm đáng trân trọng cho mỗi kiều bào khi nhớ về đất nước; tạo thêm động lực, niềm tin cho những người con đất Việt đang bôn ba ở xứ người tiếp tục hướng về Tổ quốc, hướng về cội nguồn đất mẹ.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế khó khăn, nhưng lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2023 vẫn đạt hơn 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, chiếm hơn 50% tổng lượng kiều hối của cả nước. Lượng kiều hối gửi về Thành phố không chỉ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của thành phố mà còn thể hiện niềm tin của kiều bào với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước; niềm tin vào chính quyền Thành phố.
Và quan trọng hơn, ý nghĩa hơn giá trị của những đồng tiền ấy còn là tình cảm của những con người có chung dòng máu Việt luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, là khát vọng và hành động gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, hướng về quê hương đất nước của kiều bào ta ở nước ngoài.
Càng về đêm, không khí sảnh đón quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất càng thêm nhộn nhịp với những tình cảm xúc động dâng tràn của cả những người trở về lẫn người thân đang chờ đón. Những cái ôm nghẹn ngào, ánh mắt rưng rưng xúc động của những kiều bào khi đặt chân trở về Tổ quốc trong những đêm cuối năm Quý Mão càng làm ngời sáng hơn tình yêu gia đình, ý thức dân tộc và tấm lòng luôn đau đáu hướng về Tổ quốc của những người con đất Việt.
Theo Baotintuc.vn
Ngày 26/1, Hợp tác xã vận tải Hoàng Kim khai trương tuyến xe buýt số 20 từ thành phố Hòa Bình - Cuối Hạ (Kim Bôi) - Tự Do (Lạc Sơn).
Thời gian qua, xã Trung Thành (Đà Bắc) nỗ lực thực hiện tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư theo quy hoạch để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đây là một trong những tiêu chí khó, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân.
Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Mai Châu đã phối hợp cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân vượt qua khó khăn, góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp nạn nhân chất độc da cam vươn lên trong cuộc sống.
Còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trước bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc chăm lo Tết cho người lao động (NLĐ) vẫn được các cấp, các ngành và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh quan tâm với mục tiêu tất cả NLĐ đều có Tết.
Ngày 26/1, đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến thăm, tặng quà Tết người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Quỳnh Lâm, thành phố Hòa Bình.
Ngày 26/1, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tổ chức chương trình "Mang Tết ấm đến với bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) có hoàn cảnh khó khăn - Xuân Giáp Thìn” trên địa bàn tỉnh.