Khi sắc Xuân tràn ngập khắp bản làng, hoa đào khoe sắc bên những nếp nhà, người dân vùng cao Đà Bắc gác lại những bộn bề của cuộc sống để tận hưởng không khí mùa Xuân, mong ước năm mới khởi sắc với nhiều niềm vui, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
Phiên chợ Ênh ở xã Tân Minh những ngày cuối năm tấp nập người mua, bán. Chị Xa Thị Hiền ở xã Tân Pheo cho biết: "Năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết, tôi đều đưa con xuống chợ, vừa đi chơi, vừa mua sắm chuẩn bị cho năm mới. Chợ Tết đông vui, hàng hóa từ các nơi đổ về tha hồ lựa chọn".
Trên khắp nẻo đường, những chiếc xe máy, ô tô chất đầy hàng về bản. Cùng với không khí tấp nập ở các phiên chợ cuối năm thì trên những triền đồi, vườn nhà, nhiều tiểu thương, khách hàng đến tìm mua cành đào về bán hay trưng Tết. Theo chia sẻ của bà con, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, đường sá được đầu tư giúp đi lại dễ dàng, thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Người dân đón Tết cũng đủ đầy, ấm no hơn.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây gai xanh, anh Lường Văn Vinh, Trưởng xóm Trung Tằm, xã Trung Thành cho biết: Bao đời nay, người dân xã vùng cao Trung Thành sống bằng canh tác nông nghiệp với trồng lúa, ngô, chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mấy năm gần đây, cơ cấu cây trồng ở xã chuyển đổi khá mạnh. Đặc biệt, được UBND tỉnh thẩm định hồ sơ và cho phép, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hòa Bình đã ký hợp đồng tiêu thụ 20 năm cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bông vải sợi của Tập đoàn An Phước, thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). HTX chọn vùng đất Trung Thành để đưa cây gai xanh vào canh tác thử nghiệm. Tôi là người đầu tiên tham gia trồng cây gai xanh. Lứa đầu từ tháng 5/2021, gia đình trồng 1,5 ha trên diện tích trồng ngô. Sau vài tháng trồng và chăm sóc, cây hợp đất, sinh trưởng tốt, cho thu hơn 3 tạ sản phẩm, giá HTX thu mua 40 nghìn đồng/kg. Từ lứa sau thu hoạch được hơn 8 tạ. Mỗi năm, cây gai xanh cho thu hoạch 2 - 3 lứa. So với các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn, chi phí sản xuất thấp hơn. Thấy hiệu quả kinh tế, gia đình tiếp tục thuê đất đầu tư trồng gần 4 ha cây gai xanh.
Đồng chí Đinh Thị Năm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc cho biết: Trong 2 năm vừa qua, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện đã tạo chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH địa phương. Nhiều công trình phát huy hiệu quả góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Bộ mặt của huyện ngày càng khởi sắc. Bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây, con giống mới cho năng suất cao, từng bước cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống được nâng lên.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, người dân tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Người dân được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, thâm canh tăng vụ. Các mô hình nông, lâm kết hợp được quan tâm phát triển, thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế. Để giảm nghèo bền vững, huyện hỗ trợ người dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cây trồng ở những diện tích cho năng suất thấp; tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, cuộc sống của bà con ngày càng cải thiện.
Trong năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện Đà Bắc đạt 15,1%, ước đạt 155,67% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng, đạt 103,25% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo còn 25,77%.
Trên các bản làng ở huyện Đà Bắc hôm nay đã có nhiều ngôi nhà khang trang thay thế những mái lá đơn sơ. Các tuyến đường được làm mới, tu sửa giúp giao thông thuận tiện. Người dân vùng cao năng động hơn trong tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong nhiều năm qua, huyện đã tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên, nguồn lực từ các chương trình, dự án và huy động sức dân đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, từ đó thúc đẩy phát triển KT-XH, để mỗi năm quê hương Đà Bắc được đón mùa Xuân đến sớm.