Với việc đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng học nghề theo nhu cầu thị trường; phối hợp tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, công tác lao động, việc làm của huyện Kim Bôi đạt được những kết quả tích cực.
Hoàn thành chương trình đào tạo nghề mây tre đan do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mở vào tháng 9/2023, nhóm phụ nữ xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng có việc làm ngay, đồng thời sản phẩm làm ra được bao tiêu toàn bộ. Chị Bùi Thị Thúy Liễu chia sẻ: Nhóm học viên chúng tôi sau học nghề đã vận dụng vào thực tiễn sản xuất, thu nhập cải thiện đáng kể với mức trung bình từ 160 - 180 nghìn đồng/ngày công. Hầu hết chị em trong nhóm đều nuôi con nhỏ nên có được công việc phù hợp chúng tôi rất yên tâm.
Tham gia đào tạo nghề nông nghiệp, bà Bùi Thị Tỵ, xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi tiếp thu được nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà thả vườn. Bà Tỵ bộc bạch: Trước đây, tôi chăn nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nhưng giờ có nghề trong tay công việc sản xuất thuận lợi hơn, hạn chế những rủi ro dịch bệnh cho vật nuôi. Từ đó tôi mạnh dạn mở rộng quy mô đàn gia cầm từ vài chục con/lứa lên gần 200 con/lứa, lợi nhuận thu được từ chăn nuôi cũng tăng gấp 2 - 3 lần.
Theo đồng chí Trần Nam Hải, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Kim Bôi, năm 2023, trung tâm tăng cường tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn với việc mở 48 lớp, 1.650 học viên theo học các nghề: may công nghiệp, thêu thổ cẩm, đan lát thủ công, mây giang đan, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật chăn nuôi gà hữu cơ, kỹ thuật phòng và trị bệnh cho lợn, trồng và chăm sóc cây có múi, bí xanh, rau an toàn. Các lớp được triển khai theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trung tâm cũng tăng cường tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm cho học sinh các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, lao động nông thôn. Phối hợp các trường cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh tuyển sinh, liên kết mở 14 lớp với 478 học viên, gồm lớp trung cấp du lịch, quản trị khách sạn, nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn, chăm sóc sắc đẹp, pha chế đồ uống, hướng dẫn du lịch, du lịch cộng đồng, trung cấp hàn, trồng trọt, điều dưỡng, nhằm đóng góp phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch, dịch vụ của địa phương và các khu công nghiệp.
Công tác đào tạo nghề đã thay đổi nhận thức, thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp của bà con. Hàng hóa làm ra đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho du lịch, dịch vụ địa phương. Kết quả rà soát sau đào tạo, trên 90% học viên theo học các lớp nghề tại trung tâm có việc làm mới, thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/tháng. Năm 2023, tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng số lao động của huyện đạt 64,3%, lao động qua đào tạo đạt 66,8%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 25,04%; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 12,28%, giải quyết việc làm mới cho gần 2.400 người. Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề và phát triển KT-XH trên địa bàn.
Thời gian tới, Trung tâm GDNN - GDTX huyện tập trung truyền thông về GDNN thông qua nhiều kênh thông tin, bằng nhiều hình thức; phối hợp tuyên truyền có định hướng học nghề theo nhu cầu thị trường lao động; thúc đẩy liên kết giữa các bên tham gia ở tất cả các khâu của đào tạo nghề, từ tuyển sinh đầu vào đến quá trình đào tạo và đầu ra; đa dạng loại hình, hình thức đào tạo theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia học nghề phù hợp với học vấn, điều kiện kinh tế, nhu cầu việc làm, từng bước thay đổi định hướng giá trị nghề nghiệp; xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả theo từng ngành, nhóm nghề, tổ sản xuất để nhân ra diện rộng.
Bùi Minh