Sản phẩm của Hợp tác xã Green Life, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) có chất lượng cao, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Toàn huyện hiện có 31 cơ sở đoàn xã, thị trấn, chi đoàn trực thuộc với 3.705 ĐVTN. Nhận thức rõ tầm quan trọng của khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong thanh niên, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho ĐVTN, học sinh được Huyện Đoàn quan tâm triển khai. Trong năm 2023, Huyện Đoàn đã phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp và việc làm cho hơn 2.000 lượt thanh thiếu niên; 300 thanh niên được tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm. Phối hợp Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình tổ chức 6 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.850 ĐVTN. Tích cực đổi mới hoạt động tư vấn hướng nghiệp, chọn ngành nghề, chọn trường cho học sinh. Tổ chức tư vấn hướng nghiệp và chia sẻ thông tin tuyển sinh cho học sinh, có hơn 1.000 lượt học sinh khối 12. Phối hợp các ban, ngành, UBND xã, thị trấn, công ty tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm cho ĐVTN, qua đó tư vấn giới thiệu việc làm cho trên 800 ĐVTN.
Phong trào khởi nghiệp trong ĐVTN được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo ĐVTN tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho ĐVTN. Tiêu biểu phải kể đến mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Hợp Tiến của anh Đinh Công Thuần. Sau quá trình tìm hiểu, anh Thuần đã vận động bạn bè, người quen cùng ý tưởng tham gia sản xuất nông nghiệp xanh, sản xuất các sản phẩm handmade như nến sáp ong, xà phòng tắm từ mật ong và thành lập Hợp tác xã (HTX) Green Life. Hiện nay, với quy mô trên 4.500 đàn ong nuôi tự nhiên, trung bình mỗi năm sản lượng mật của HTX đạt trên 40 nghìn lít, tổng thu nhập khoảng 6 tỷ đồng. HTX tạo việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2023, sản phẩm mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Anh Thuần chia sẻ: Dự án khởi nghiệp sáng tạo của tôi có được thành quả như ngày hôm nay ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè còn nhờ có sự đồng hành từ tổ chức đoàn cơ sở đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình lập nghiệp. Qua các buổi đi học tập kinh nghiệm mô hình kinh tế có hiệu quả, chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng sản phẩm OCOP, kết nối đầu ra cho sản phẩm đã giúp tôi có thêm động lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho quê hương.
Bên cạnh mô hình của anhĐinh Công Thuần, trên địa bàn huyện Kim Bôi xuất hiện nhiều điển hình trong lĩnh vực thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo như: mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Bùi Thế Sang, xóm Cháo, xã Kim Bôi; HTX nông nghiệp xanh của anh Bùi Thanh Sơn, xóm Sáng Trong, xã Đú Sáng; HTX sản xuất và phân phối cơm lam Mường Động của anh Phạm Hồng Sơn, thị trấn Bo; mô hình trồng táo lê Nhật của anh Đỗ Đức Bằng, thôn đội 3, xã Nam Thượng; mô hình chăn nuôi gà và trồng măng lục trúc của anh Nguyễn Thành Đô, xóm Vố, xã Kim Bôi…
Đồng chí Bùi Văn Hòa, Phó Bí thư phụ trách Huyện Đoàn Kim Bôi cho biết: Chương trình đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp đã cổ vũ, định hướng, hỗ trợ ĐVTN rèn luyện, phát triển kỹ năng, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, Huyện Đoàn tích cực tuyên truyền, giới thiệu cho ĐVTN các chính sách ưu đãi về học nghề, giải quyết việc làm. Thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh do thanh niên làm chủ; duy trì hiệu quả các hoạt động thanh niên giúp nhau làm kinh tế, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho ĐVTN phát huy năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo của tuổi trẻ, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hoàng Dương