Với tính năng "chi tiêu trước trả tiền sau”, thẻ tín dụng (TTD) được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, hiểu về TTD thì mới sử dụng hiệu quả và nên dùng. Còn không, nó sẽ là "con dao hai lưỡi”...
Hiện nay, nhiều ngân hàng thực hiện phát hành thẻ tín dụng đối với khách hàng đủ điều kiện. (Ảnh chụp tại Ngân hàng Bắc Á chi nhánh tỉnh Hòa Bình).
Nhiều tiện ích
Vừa qua, dư luận xôn xao về việc một khách hàng có dư nợ TTD chỉ hơn 8,5 triệu đồng nhưng sau 11 năm không trả số tiền đã chi tiêu nên số tiền nợ đã lên 8,8 tỷ đồng.
Câu chuyện lan truyền trên mạng những ngày qua cũng khiến nhiều người giật mình. Nhiều người vì mua hàng trả góp được tặng thẻ, vì "nể” nhân viên các tổ chức tín dụng, vì mở "cho có” nên đã đồng ý mở TTD. Tuy nhiên, không ít người đã phải hủy thẻ này để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Hiện khách hàng có thể sử dụng TTD để thanh toán hầu hết các mặt hàng từ sản phẩm hữu hình đến dịch vụ như hóa đơn điện, nước, internet, tiền nhà, mua điện thoại, máy tính, ô tô hoặc các chi tiêu mua sắm đơn giản thường ngày... Với tính năng "chi tiêu trước trả tiền sau”, TTD là lựa chọn hợp lý cho khách hàng để phân phối nguồn tiền tốt hơn và có thêm một khoản ngân sách dự phòng trong những trường hợp khẩn cấp.
Khác với tiền mặt chỉ có thể chi tiêu trực tiếp, TTD cho phép khách hàng thanh toán với đa dạng hình thức hơn như: Thanh toán bằng quẹt thẻ qua máy POS tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị…; thanh toán online trên các ứng dụng, trang web mua sắm hoặc liên kết trung gian thông qua ví điện tử. Khi sử dụng TTD để thanh toán quốc tế, ngân hàng sẽ tự động chuyển đổi ngoại tệ tương ứng với đơn vị tiền mà khách hàng đang dùng với phí chuyển đổi chỉ từ 1 - 4%... Tóm lại, TTD là công cụ thanh toán tiện ích và thông minh trên phạm vi toàn cầu. Chủ thẻ chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể giao dịch, thanh toán tại cơ sở dịch vụ bằng mức phí ưu đãi với nhiều chương trình giảm giá.
Tuy vậy, không phải khách hàng nào cũng đủ tiêu chuẩn để ngân hàng cho phép cấp mở TTD. Chẳng hạn, điều kiện mở TTD của nhiều ngân hàng là khách hàng không có nợ xấu trong vòng 2 năm gần nhất trở lại và có uy tín điểm tín dụng cá nhân. Đây là căn cứ để xác định độ tín nhiệm của khách hàng, là điều kiện để ngân hàng xem xét về việc cấp thẻ và hạn mức tín dụng.
Cẩn trọng khi sử dụng
Hầu hết các ngân hàng có chính sách sử dụng TTD tương đồng. Chủ thẻ được ngân hàng cho mượn tiền tiêu dùng 45 - 55 ngày không phải trả lãi, không trả phí (tuỳ ngân hàng). Tuy nhiên, sau thời gian đó, khách hàng phải trả lãi với lãi suất nhìn chung cao hơn khá nhiều so với mặt bằng, mức lãi tuỳ thuộc nhóm loại khách hàng. Để tránh nợ xấu khi sử dụng TTD, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…
Chính bởi bản chất của TTD là cho vay tiêu dùng với mức lãi suất và phí khá cao, nên hãy thận trọng khi sử dụng; nếu có nhu cầu, hiểu về nó thì mới sử dụng hiệu quả và nên dùng. Còn không, TTD là "con dao hai lưỡi”.
Chị Nguyễn Thị H., kinh doanh tự do trên địa bàn TP Hòa Bình cho biết: Đặc thù phải đi nhiều nơi, thậm chí là ra nước ngoài để gom hàng nên tôi mở TTD từ lâu. Tuy nhiên, trước vụ việc trên tôi đã phải kiểm tra lại hoạt động chi tiêu của mình để xem có thẻ nào dính nợ xấu không.
Không giống như chị H, anh Nguyễn Đình B., làm việc tại một cơ quan nhà nước, không có nhu cầu về việc sử dụng TTD. Tuy nhiên, trong một lần mua sản phẩm điện tử trả góp, anh được công ty tài chính tặng 1 thẻ. Khi có việc cần, anh B đã kích hoạt và sử dụng. Do chưa đủ năng lực tài chính, nên đến thời điểm phải hoàn tiền, anh B chỉ thực hiện chuyển dư nợ tối thiểu, mà không biết rằng việc làm này chỉ giúp anh không bị nợ xấu, số tiền còn lại bị phát sinh lãi suất. Sau một thời gian ngắn, số tiền anh phải thanh toán đã tăng lên gấp 1,5 lần so với số dư nợ ban đầu.
Khuyến cáo của ngành ngân hàng
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều phát hành TTD. Riêng trên địa bàn tỉnh, tổng số thẻ được phát hành và đang hoạt động lên đến hàng trăm nghìn thẻ. Bên cạnh sự tiện lợi, TTD cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nếu người dùng không biết cách bảo quản, sử dụng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình khuyến cáo những lưu ý khi sử dụng TTD: Ngày càng có nhiều ngân hàng phát hành TTD ra thị trường, vì vậy khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, với nhiều người tiêu dùng, lựa chọn của họ thường ưu tiên các ngân hàng lớn và uy tín.
Với uy tín thương hiệu, lịch sử hoạt động ổn định, mạng lưới hệ thống rộng, sản phẩm dịch vụ đa dạng, các ngân hàng chất lượng tốt mang đến cho họ sự an tâm khi "chọn mặt gửi vàng”, đồng thời mang lại những quyền lợi và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất. Bên cạnh đó, ở mỗi ngân hàng có một quy định riêng về lãi suất TTD. Bởi vậy, khi quyết định đăng ký mở thẻ nên chọn ngân hàng hoặc chọn dòng thẻ có lãi suất quá hạn thấp nhất.
Một nhận thức rất đúng đắn rằng, TTD cũng chính là tiền. Vì vậy, bằng mọi giá không được để lộ thông tin cá nhân, thông tin in trên thẻ như số TTD, thời hạn thẻ, số CVV (mã bảo mật). Tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ; không đưa thẻ, trao thẻ cho người khác kể cả nhân viên ngân hàng sử dụng để tránh nguy cơ lộ các thông tin bảo mật.
Khách hàng cũng có thể rút tiền mặt từ TTD như các thẻ ATM thông thường, tuy nhiên mức phí sẽ cao hơn và tính lãi suất cao ngay khi rút tiền ra khỏi cây. Khi giao dịch tại ATM, cần quan sát kỹ khu vực đặt máy, khe đọc thẻ, khu vực bàn phím trước khi giao dịch.
"Khách hàng cần ghi nhớ ngày đến hạn thanh toán. Tất cả mọi người đều có thể quên ngày thanh toán. Trong ngắn hạn thì mức phạt không đáng lo, nhưng với dài hạn thì đó là một vấn đề lớn, thậm chí có thể đưa bạn vào vòng luẩn quẩn của nợ nần. Vì vậy, hãy cố gắng ghi nhớ ngày đến hạn của TTD để đảm bảo thanh toán đúng hạn”- đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh lưu ý.
Minh Vũ
Chiều 5/4, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Những vấn đề đặt ra trong quá trình biên soạn sách lịch sử tỉnh Hòa Bình".
Ngày 5/4, tại xã Thanh Hối (Tân Lạc), Hội Nông dân (HND) tỉnh phối hợp với Ban quản lý Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức Lễ phát động trồng rừng gỗ lớn hưởng ứng Chiến dịch truyền thông về rừng và phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính.
Ngày 5/4, tại Trường Chính trị tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh năm 2024 (KĐ24.03) theo Đề án 587 cho 52 học viên là cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.
Triển khai từ năm 2021, Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam” (VIE071) đã hoàn thành mục tiêu thành lập 30 câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN). Mô hình đã trở thành điểm tựa cho NCT, đặc biệt đối với NCT neo đơn, hoàn cảnh khó khăn được hưởng lợi từ các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tăng thu nhập…, giúp NCT nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sống vui - khỏe - hạnh phúc.
Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn. Cách đây 24 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về vận động, khuyến khích HMTN và lấy ngày 7/4 hằng năm là "Ngày toàn dân HMTN”. Đây là dấu mốc quan trọng trong phong trào HMTN, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nghỉ 5 ngày liên tiếp dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 bằng cách hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác.