Để đối phó với tình trạng một số mặt hàng tăng giá nhẹ, người dân chọn mua sắm tại những địa điểm bán hàng có giá niêm yết. Ảnh chụp tại Siêu thị Vì Hòa Bình (thành phố Hòa Bình).
Theo khảo sát, trong những tháng gần đây, nhất là từ đầu tháng 6 đến nay, giá cả hàng hóa, đặc biệt là nhóm thực phẩm tăng mạnh. Cụ thể, ở các chợ dân sinh, giá thịt các loại tăng thêm 10 - 20 nghìn đồng/kg; rau xanh tăng 3 - 5 đồng/kg, trứng gà từ 30 - 40 nghìn/chục tăng lên 35 - 45 nghìn đồng/chục; trứng vịt tăng từ 35 nghìn đồng/chục lên 38 nghìn đồng/chục; trái cây các loại cũng nhích giá thêm 3 - 5 nghìn đồng/kg.
Do nguyên liệu đầu vào tăng nên một số dịch vụ như: hàng ăn uống, giải khát cũng rục rịch điều chỉnh tăng giá thêm. Mỗi bát phở, bún tăng từ 3 - 5 nghìn đồng; nước giải khát tăng 2 - 3 nghìn đồng/cốc…
"Riêng tháng 6 vừa qua, chi phí sinh hoạt của gia đình đã tăng thêm 25% so với trước đó. Trong đó, tiền thức ăn đội thêm 30% khi thịt, cá, rau xanh đều tăng giá”, chị Quách Thị Thành, thường trú tại tổ 8, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) chia sẻ.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có khoảng trên 25 nghìn công chức, viên chức, người lao động, trong khi đó dân số toàn tỉnh trên 880 nghìn người. Như vậy có thể thấy việc điều chỉnh lương nằm ở khu vực dân số có quy mô không lớn, chiếm chưa đến 5%, do đó việc giá leo thang do tăng lương tác động tiêu cực đến người dân, khiến họ phải xoay xở tìm cách ứng phó.
Là người "tay hòm chìa khóa” chi tiêu cho cả gia đình, chị Lê Kim Tuyến ở TP Hòa Bình bật chế độ theo dõi các fanpage của các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và tham gia các hội, nhóm săn hàng khuyến mãi, giảm giá để tiết kiệm chi tiêu. "Nhiều nhà cung cấp ngoài các chương trình khuyến mại, giảm giá, còn kích cầu tiêu dùng theo cách "càng mua càng rẻ”, do vậy, tôi và các chị em cùng công ty thường rủ nhau mua chung nên cũng tiết kiệm được kha khá trong các khoản chi tiêu”, chị Tuyến cho biết.
Nhiều nhà bán lẻ, các nhãn hàng, doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả leo thang đã có những chương trình bán hàng ưu đãi, khuyến mãi… để tiếp cận khách hàng, chiếm lĩnh thị phần.
Đại diện nhãn hàng nước giặt Boster tại TP Hòa Bình cho biết: "Sản phẩm ra mắt từ đầu năm nay và đang trên đà tiếp cận thị trường. Trong khi các nhãn hàng có tiếng tăng giá thì chúng tôi chủ trương bán hàng không lợi nhuận để tạo lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tổ chức điểm bán hàng lưu động tại các chợ, các khu công nghiệp, hướng đến những người có mức thu nhập trung bình”.
Ngoài ra, việc mua các loại rau xanh, trái cây đúng mùa cũng giúp các bà nội trợ tiết kiệm được chi tiêu. "Thường thì rau, củ, quả trái mùa sẽ đắt đỏ, khan hiếm, do đó, thời điểm này đi chợ, tôi lựa chọn nhóm rau xanh, trái cây đang rộ mùa thu hoạch. Như vậy giá sẽ rẻ hơn, dễ lựa chọn hơn”, bà Vũ Kiều Hoa - một người nội trợ cho biết.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7/2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 6.248 tỷ đồng, tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 17,49% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng ước đạt 42.394 tỷ đồng. Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với tháng trước như: bia, đồ uống các loại ước tăng 2,5%; sản phẩm may mặc ước tăng 1,6%; sản phẩm điện tử ước tăng 1,2%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 ước tăng 0,16% so với tháng trước, chỉ số bình quân cùng kỳ đạt 2,25%. Như vậy có thể thấy, chỉ số giá tiêu dùng có tăng nhưng ở mức thấp; giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên nhưng so với số bình quân cùng kỳ là không đáng kể.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hiện nay, Chính phủ cùng các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khóa: Tăng lãi suất ngân hàng để huy động lượng tiền nhàn rỗi tạm thời, tránh tình trạng tăng giá cục bộ do "vung” chi tiêu, đẩy cầu lên từ thị trường. Bên cạnh đó, ngành Công Thương, Cục Quản lý thị trường cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá theo từng mặt hàng, những nhóm mặt hàng Nhà nước định giá hay bình ổn giá như điện, nước, xăng, dầu, dịch vụ công… Do đó, theo nhận định của ngành chức năng, sẽ không xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, tăng giá bất hợp lý.
Cùng với việc tăng lương phải kiểm soát được lạm phát, tránh tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo kiểu "té nước theo mưa” thì việc tăng lương mới có ý nghĩa thực sự. Và trong hầu hết các lần tăng lương trước đây, lạm phát đều được kiểm soát mang đến những bài học kinh nghiệm trong việc này.
Minh Vũ