Hộ chăn nuôi tại xóm Nhót, xã Nà Phòn (Mai Châu) nuôi nhốt bò và phun thuốc diệt muỗi, mòng để phòng bệnh viêm da nổi cục cho vật nuôi.
VDNC là bệnh truyền nhiễm trên trâu, bò, thường xảy ra vào mùa nóng ẩm. Bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng và có thể chết nhiều ở trâu, bò giai đoạn còn non hoặc trâu, bò già, sức đề kháng kém. Cuối năm 2020, bệnh VDNC lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tại huyện Tân Lạc. Năm 2021, dịch bệnh bùng phát ở tất cả các địa phương trong tỉnh với trên 4,7 nghìn con trâu, bò mắc bệnh, trên 300 con bị chết. Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, nhất là công tác triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh nên trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận có trâu, bò mắc bệnh VDNC. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, tại 6 xã, thị trấn của huyện Mai Châu đã ghi nhận có một số con bò mắc bệnh này.
Theo phòng NN&PTNT huyện Mai Châu, tính đến trung tuần tháng 7, trên địa bàn huyện đã ghi nhận 29 con bò mắc bệnh VDNC tại các xã: Tòng Đậu (13 con), Mai Hịch (9 con), Chiềng Châu (3 con), Cun Pheo (2 con), Nà Phòn (1 con), thị trấn Mai Châu (1 con). Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ đầu tháng 7, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời hướng dẫn các địa phương, hộ chăn nuôi nhận biết các dấu bệnh gia súc mắc bệnh và biện pháp để phòng, chống. Bên cạnh đó, huyện tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc và các sản phẩm của gia súc.
Đồng chí Trần Mạnh Tân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mai Châu cho biết: Các hộ có bò mắc bệnh đã cách ly nuôi nhốt toàn bộ, không thả rông gia súc để phòng tránh dịch bệnh lây lan. Đối với huyện, sau khi được phát thuốc sát trùng đã cấp cho các xã, thị trấn để tổ chức tổng vệ sinh, phun tiêu độc, khủ trùng toàn bộ vùng có nguy cơ cao, xung quanh ổ dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh môi trường, thu gom chất độn, chất thải tại các chuồng có gia súc bị bệnh, xử lý bằng cách đốt, ủ, dùng vôi bột rắc nền và xung quanh chuồng nuôi. Đến nay, cơ bản dịch bệnh được khống chế, những con bò mắc bệnh đang được chữa trị.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) đã kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh VDNC tại huyện Mai Châu. Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết: Đề nghị các địa phương có dịch kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện khoanh vùng, bao vây, dập dịch. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, thống kê số lượng trâu, bò tại xã đang có dịch bệnh thuộc diện tiêm phòng; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tiêm phòng khẩn cấp vắc xin VDNC theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trâu, bò ra vào ổ dịch và kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn cũng như trong ổ dịch. Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng liên tục trong 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ vùng có nguy cơ cao, xung quanh ổ dịch. Người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát để phát hiện sớm ổ dịch và khoanh vùng xử lý kịp thời. Mùa hè là điều kiện bệnh VDNC dễ phát sinh, do đó người chăn nuôi trâu, bò cần phun thuốc diệt muỗi, ve, mòng - vật trung gian truyền bệnh để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm.
Viết Đào