Ảnh hưởng mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu có hàng chục điểm bị sạt lở. Hiện nhiều điểm vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở khi xảy ra mưa lớn.
Tuyến đường ĐH63 địa phận xã Nà Phòn, huyện Mai Châu có nhiều điểm sạt lở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Đợt mưa do hoàn lưu bão số 3 vừa qua, gia đình ông Hà Văn Duân, xóm Nà Mo bị sạt lở hơn 60m3 đất, đá vào nhà. Mặc dù thiệt hại không lớn nhưng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự xã Nà Phòn vận động gia đình ông Duân sơ tán đến ở nhờ nhà người thân. Bởi toàn bộ phần taluy dương phía sau ngôi nhà đất ngấm nước, xuất hiện những vết nứt nhỏ, nguy cơ sạt lở rất cao. Ngoài ra, xóm Nà Mo có 5 hộ cũng bị sạt lở đất, đá vào nhà, hiện đang sắp xếp di dời đến nơi ở tạm. Cùng với đó, hộ ông Hà Công Nhân, xóm Xô bị sạt taluy âm, xóm đã huy động nhân dân giúp đỡ gia đình tháo dỡ, di dời nhà cửa, tạm thời tài sản vận chuyển về nhà văn hóa xóm, các thành viên gia đình ở nhờ nhà người thân.
Trên địa bàn xã Nà Phòn có nhiều điểm sạt lở do mưa bão. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tuyến đường huyện ĐH63 bị sạt lở 35 điểm với khối lượng đất, đá khoảng 1.500m3. Theo đồng chí Ngần Văn Thiểu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nà Phòn: Tuyến ĐH63 có thể nói là một trong những tuyến bị sạt lở nặng nhất trong đợt mưa bão vừa qua. UBND xã thống kê trên tuyến đường có 27 điểm sạt lở trên 500m3 đất, đá; 4 điểm sạt lở với khối lượng trên 400m3 đất, đá và nhiều điểm sạt lở đất, đá tràn ra đường, phương tiện giao thông không lưu thông được.
Cùng với tuyến ĐH63, các tuyến giao thông nội xóm, nội đồng trên địa bàn xã cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng tuyến đường nội xóm Xăm Pà bị sạt lở 22 điểm; tuyến đường Xăm Pà đi Nưa sạt lở 8 điểm; tuyến đường Pom Pù đi xóm Nhót sạt lở 1 điểm; tuyến nội đồng Nà Chiếu bị sập nền đường cầu Bai Chiềng khiến giao thông bị chia cắt.
Không chỉ bị sạt lở đất, người dân xã Nà Phòn còn nơm nớp lo sợ bởi hiện tượng sạt lở đá trong mùa mưa. Mới đây, trên địa bàn xã xảy ra 2 điểm sạt lở đá, tại đoạn đường từ xóm Pom Kim đi Huối Nghìa có 2 tảng đá khối lượng khoảng 10m3 sạt lở ra đường khiến giao thông chia cắt; tại núi Phù Tọc, xóm Nà Chiềng có 1 tảng đá to khoảng 5m3 nguy cơ sạt lở khiến người dân vô cùng lo lắng.
Để đảm bảo an toàn, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự xã huy động toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng xung kích tại cơ sở khắc phục hậu quả mưa lũ và di dời các hộ có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Trên các tuyến giao thông bị sạt lở, lực lượng chức năng đã san gạt, khơi thông dòng chảy khôi phục giao thông. Đồng thời cắm biển cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá; lập rào chắn, cử lực lượng canh gác không cho người dân đi qua tuyến đường có nguy cơ bị đá lăn; cảnh báo người dân không ở gần khu vực sạt lở.
Theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, do địa bàn xã Nà Phòn chủ yếu là đồi núi, dốc cao nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét rất cao khi có mưa lớn xảy ra. Đặc biệt hiện nay, tuyến ĐH63 là tuyến giao thông mới được nâng cấp, mở rộng, trên tuyến nhiều đoạn taluy dương chưa được xử lý chống sạt trượt. Vì vậy, về lâu dài, bà con mong muốn có giải pháp nhằm di dời, ổn định người dân khu vực nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Xử lý triệt để các điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao hoặc đã sạt lở để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Đinh Hòa
Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp tại một số xã của huyện Lương Sơn, với trên 790 ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị thiệt hại. Cấp uỷ, chính quyền các cấp trong huyện đã và đang triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, khôi phục sản xuất.
Để công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn đạt hiệu quả cao, xã Thanh Hối (Tân Lạc) đẩy mạnh giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản đối với 131 hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số trường hợp hộ nghèo phát sinh mới. Năm 2024, xã phấn đấu giảm 13 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xuống còn dưới 8%.
Thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong 2 ngày 23 - 24/9, Sở VH-TT&DL tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2018 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, năm 2024 cho công chức Phòng Văn hóa và Thông tin; viên chức Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông các huyện, thành phố; công chức văn hóa xã trên địa bàn tỉnh.
Những ngày mưa vừa qua xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở đất, đá trên tuyến đường 433 đi các xã vùng cao huyện Đà Bắc. Đặc biệt có 2 điểm sạt lở lớn tại km 68+ 500 (đoạn xã Mường Chiềng) và km 36+120, đoạn gần UBND xã Tân Minh có khối lượng sạt lở đất, đá rất lớn gây ách tắc giao thông.
Đợt mưa lớn vừa qua đã gây ngập úng, sạt lở và nguy cơ sạt lở tại một số khu dân cư, tuyến đường. Huyện Yên Thủy đã sơ tán 17 hộ dân tại các khu vực nguy cơ sạt lở cao, ngập úng đến khu vực an toàn: xã hữu Lợi 5 hộ, xã Lạc Thịnh 3 hộ, xã Đoàn Kết 6 hộ, xã Ngọc Lương 1 hộ, xã Lạc Lương 2 hộ.