Người dân xã Cao Răm, huyện Lương Sơn đến khám phá di tích hang Chổ.
Hang Chổ tọa ở vị trí thuận lợi, trước cửa hang là thung lũng rộng, đất đai phì nhiêu, quanh năm cây cối tươi tốt, gần nguồn nước nên từ cửa hang có thể dễ dàng săn bắt, hái lượm, kiếm tìm thức ăn thủy hải sản và thảo mộc. Chính vì vậy, cư dân nguyên thủy đã sống ở hang Chổ. Điều này được biểu hiện ở tầng tích tụ văn hóa dày, chứa nhiều phế thải thức ăn nhuyễn thể và bộ công cụ đá rất lớn. Với hơn 1.000 hiện vật đã được khai quật và trưng bày ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Viện khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng nhân chủng học, Bảo tàng Hòa Bình, các nhà khoa học đã khẳng định, hang Chổ là di tích khảo cổ học quan trọng, có giá trị cao trong công tác nghiên cứu và tham quan về một nền văn hóa tiền sử nổi tiếng: Văn hóa Hòa Bình.
Đưa chúng tôi đi khám phá khu vực được khai quật trong hang Chổ, chị Đinh Thị Nụ, cán bộ văn hóa xã Cao Răm cho biết: Tại hang Chổ có những di vật đá biểu hiện đặc trưng di vật Văn hóa Hòa Bình như công cụ bằng đá cuội chiếm đa số bao gồm cả những hòn cuội nguyên và những loại làm từ mảnh đá cuội tách mỏng. Bên cạnh những loại hình công cụ thuộc nhóm truyền thống như công cụ rìa lưỡi dọc, công cụ rìa liên tiếp, mũi nhọn... nổi bật lên là những đặc chủng công cụ đá Hòa Bình, bao gồm công cụ hình bầu dục, hình hạnh nhân, hình chữ nhật…. Ngoài ra, những di tích động vật tìm thấy trong hang cho thấy, cuộc sống săn bắn, hái lượm vẫn là chủ đạo. Tầng văn hóa chủ yếu là nhuyễn thể ốc, vỏ trai sông rất to và dày.
Từ những căn cứ trên, các nhà khoa học đã đưa ra cho di tích hang Chổ một khung niên đại tương đối trên dưới 10.000 năm cách ngày nay và nằm trong giai đoạn chuyển tiếp sang trung kỳ đá mới ở nước ta. Cùng với sự phong phú, đa dạng về di vật và công tác bảo quản, giữ gìn của hang Chổ được tiến hành tương đối tốt nên đứng dưới vòm hang rộng, cầm trên tay những di chỉ còn sót lại ai cũng có thể tự mình hình dung đến cuộc sống đã từng diễn ra trong chính hang động này từ hàng ngàn năm về trước.
Với những giá trị to lớn về khảo cổ của hang Chổ, đồng chí Hoàng Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Cao Răm cho biết: Người dân Cao Răm luôn tự hào về di tích khảo cổ hang Chổ. Chúng tôi tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại nơi cư trú của nhóm cư dân Văn hóa Hòa Bình. Chính vì vậy, chính quyền và người dân xã Cao Răm luôn lỗ lực giữ gìn những giá trị khảo cổ to lớn của hang Chổ. Xã Cao Răm đã đầu tư xây dựng đường giao thông thuận tiện dẫn vào hang; bố trí bảo vệ riêng. Người dân thường xuyên đến dọn dẹp, phát quang đường vào hang; trồng nhiều cây xanh khu vực trước cửa hang để thu hút du khách đam mê khám phá nền Văn hóa Hòa Bình. Tuy nhiên, lượng du khách đến thăm quan, khám phá hang Chổ rất ít, chỉ có học sinh trong huyện Lương Sơn. Ngoài ra có một vài đoàn công tác nước ngoài đến làm công tác khảo cổ.
Thu Thủy